Chuyển đổi số - Kinh tế số
Thời cơ để đầu tư phát triển kinh tế số
Mạnh Bôn - 25/07/2023 09:29
GS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, mảng đầu tư vào kinh tế số còn rất lớn.

“Đây là thời cơ đầu tư vào kinh tế số, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới, từ đó bứt phá vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”, ông Thành nhận định.

GS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) 

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm liên tục, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, doanh nghiệp đang loay hoay không biết đầu tư vào đâu, thưa ông?

Cầu nội địa tăng trưởng thấp, kim ngạch xuất khẩu suy giảm liên tục, thì trong hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống, đúng là rất khó tìm được kênh đầu tư, nên doanh nghiệp không muốn vay vốn ngân hàng dù lãi suất có giảm mạnh đi chăng nữa. Đây là thời cơ đầu tư vào kinh tế số để chuyển đổi từ hoạt động truyền thống sang sản xuất, kinh doanh số.

Tôi cho rằng, trong điều kiện lãi suất vay vốn ngân hàng thấp, room tín dụng được nới rộng, tăng 14-15% so với năm 2022 và có thể được nâng nới rộng hơn nếu nền kinh tế hấp thụ được, điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng cũng dễ dàng hơn là thời cơ để doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế số, từ đó phát triển thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới, tạo thêm nhiều việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên.

Nghĩa là, đầu tư vào kinh tế số còn dư địa rất lớn?

Quyết định 411/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số...

Chỉ còn hơn một năm nữa là đến năm 2025, nhưng thực tế, kết quả đạt được rất khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra. Theo tính toán của chúng tôi, hiện tại, kinh tế số mới chiếm khoảng 10% GDP, tức là nhu cầu đầu tư vào kinh tế số còn rất lớn.

Đầu tư vào cái gì, thưa ông, khi ngay cả Tổng cục Thống kê cũng đang loay hoay chưa rõ khái niệm kinh tế số là gì vì trên thế giới chưa định hình rõ nét thế nào là kinh tế số?

Khái niệm về kinh tế số hiện chưa được hiểu thống nhất trên thế giới. Dựa vào khái niệm của các định chế, tổ chức kinh tế, tài chính trên thế giới, có thể hiểu, kinh tế số gồm 3 khái niệm.

Theo khái niệm cốt lõi, thì kinh tế số chính là ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo nghĩa rộng, thì kinh tế số là hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa vào nền tảng Internet, công nghệ truyền thông.

Theo nghĩa bao hàm, thì kinh tế số là tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ dựa vào công nghệ số, dựa vào sự hỗ trợ mạng không dây.

Có thể hiểu nôm na, kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế số bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ICT); kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, đầu tư kinh tế số phải “rót tiền” vào mảng nào, thưa ông?

Muốn phát triển kinh tế số, cần tập trung phát triển ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” nhằm gia tăng hàm lượng xuất khẩu; ứng dụng ICT vào tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Ứng dụng ICT để từ chuyên gia đến nhà quản lý và người lao động làm việc gián tiếp trên mạng Internet nhiều hơn hoạt động trực tiếp.

Như vậy, đầu tư, phát triển kinh tế số phải thực hiện cả theo khái niệm cốt lõi, khái niệm rộng và khái niệm bao hàm, cần giải pháp tổng thể, chứ không phải tập trung vào ngành nào, lĩnh vực nào.

Thế còn Nhà nước thì sao?

Đối với Nhà nước, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số thì phải giải quyết 3 khâu.

Thứ nhất, phải tạo được môi trường để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế số.

Thứ hai, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phải có hệ thống công nghệ hạ tầng thông tin hiện đại ngang với các nước phát triển thì mới có thể phát triển kinh tế số.

Thứ ba, đảm bảo nguồn nhân lực. Hiện nay còn thiếu nhân lực ICT đủ chất lượng đáp ứng về công nghệ số.

Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế theo hướng, tỷ trọng giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ càng cao thì càng được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Với cách hỗ trợ bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, tất cả doanh nghiệp đều được hưởng, tỷ trọng đầu tư vào kinh tế số trong tổng mức đầu tư càng cao, thì càng được ưu đãi, nên tạo được sự bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Tin liên quan
Tin khác