Năm 2021, kinh doanh trên nền tảng số sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự chuyển đổi mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp |
Theo Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, thương mại điện tử trong năm 2021 sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, tạo ra những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, uy tín; giúp doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch và tạo ra những cơ hội trong phát triển và mở rộng thị trường..
Năm 2020 được đánh giá là năm bản lề cho việc chuyển mình của các doanh nghiệp Việt khi ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử để phát triển kênh phân phối mới trong giai đoạn 2021 – 2025.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 cho biết, kinh doanh trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đa dạng, “thương mại điện tử trở nên phổ biến và trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng”. Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) của thương mại điện tử trong giai đoạn 2016-2019 là 30%.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến. Theo Khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19 hồi tháng 9/2020 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đẩy mạnh thương mại điện tử là một trong các giải pháp được 14,6% doanh nghiệp lựa chọn để đối phó với đại dịch. Thương mại điện từ đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho doanh nghiệp Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tư & Kinh tế số cho rằng, trong bối cảnh của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng chuyển hướng đi mới và triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
"Một thực tế rằng, khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để lĩnh vực này ngày càng phát triển", ông Hải nói.
Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn chứng kiến những sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 – chương trình được Bộ Công Thương giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng hơn cả là các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới.
Với xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cũng đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước.
Cùng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, đảm bảo an toàn trong giao dịch, mua bán; từ đó, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ có nhiều bứt phá.