Các nhà đầu tư tại Việt Nam đang nảy sinh nhu cầu đa dạng từ các sản phẩm ETF. |
Xu hướng tích cực
Đối với Yang Yining, Giám đốc đầu tư Fubon FTSE Vietnam ETF, thị trường Việt Nam hiện giống như Đài Loan của những năm 1980. “Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế ở Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon FTSE Vietnam ETF”, Yang Yining nói.
Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF tới từ Đài Loan, được thành lập từ tháng 3/2021. Quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index, gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). 3 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FTSE Vietnam 30 Index là bất động sản, tiêu dùng và tài chính được dự báo tăng trưởng EPS lần lượt là 16%, 20% và 21% trong năm 2021. Các cổ phiếu trong Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF có tiềm năng tăng trưởng dài hạn với lợi thế cạnh tranh.
Các quỹ ETF cổ phiếu toàn cầu đã thu hút dòng tiền nộp ròng 459 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, vượt xa mốc 366 tỷ USD và 283 tỷ USD của cả năm 2020 và 2019.
Với diễn biến lạc quan trong dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, Fubon FTSE Vietnam ETF cho rằng, đây là thời điểm rất tốt để đầu tư.
Thời điểm mới ra mắt, quỹ này dự kiến huy động hơn 200 triệu USD trong đợt IPO, mục tiêu tăng quy mô lên 357 triệu USD trong vòng 6 tháng. Hiện Quỹ đã vươn lên vị trí thứ 3 trên toàn thị trường về lượng vốn hút ròng tới hơn 11.000 tỷ đồng (tính đến ngày 15/7/2021) và liên tục giải ngân vào hàng loạt cổ phiếu trên HoSE.
Trước đó, tháng 9/2020, CTBC Vietnam Equity Fund, một quỹ đầu tư khác của Đài Loan cũng rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tính đến ngày 29/1/2021, tổng tài sản của quỹ này đạt hơn 278 triệu USD.
Thông tin từ SSI Research, Đài Loan đang là điểm sáng hút vốn của khu vực châu Á. Trong bối cảnh các thị trường mới nổi khu vực châu Á đang bị rút vốn khá mạnh, cổ phiếu Đài Loan liên tiếp có tiền vào, hút ròng tổng cộng 2,7 tỷ USD trong 2 tháng gần đây. Không chỉ có triển vọng tăng trưởng tốt trong nước, thị trường vốn của Đài Loan còn rất phát triển và là “cửa ngõ” vào các nền kinh tế châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo báo cáo của SSI Research, xét dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại vẫn bán ròng. Tổng lượng bán ròng trong tháng 6 là 4.600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức bán ròng kỷ lục của tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán là 30.400 tỷ đồng.
Dòng vốn ETF đảo chiều, quay lại xu hướng tích cực trong tháng 6. Các quỹ bị rút ròng trong tháng 5 là VFM VN30 ETF và SSIAM VNFIN Lead đã có dòng tiền dương trở lại với giá trị là 560 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Tính chung tháng 6, có khoảng 26 triệu USD vốn vào các quỹ ETF tại Việt Nam
Sáu tháng đầu năm 2021, khi các quỹ chủ động bị rút ròng 185 triệu USD (cao hơn mức 110 triệu USD của cả năm 2020), thì các quỹ ETF lại hút ròng tới 590 triệu USD, cao gấp 2,6 lần lượng vốn ETF vào cả năm 2020. Trong đó, riêng quỹ Fubon hút khoảng 340 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại vẫn đạt 410 triệu USD và đóng góp vào mức tăng trưởng 27,6% của chỉ số chứng khoán.
Trong những ngày đầu tháng 7, thị trường tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực ở các quỹ VFM VN30, VFM VNDiamond và Fubon mua ròng trở lại.
Bên cạnh đó, Quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, quy mô quỹ này còn nhỏ (2 triệu USD) và chỉ có khoảng 27% tổng tài sản của Quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam.
Ăn nên làm ra
Theo công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới Blackrock, tài sản trong các quỹ ETF toàn cầu được kỳ vọng có thể đạt 12.000 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Xu thế phát triển ETF đang vươn địa bàn ở các nước châu Á. Các quỹ chỉ số ngày càng có vai trò lớn hơn ở các thị trường, tương tự chứng khoán Bắc Mỹ và châu Âu, nơi quỹ chỉ số đã thống trị thời gian dài.
Trong hơn một năm qua, các quỹ đầu tư đang khá ăn nên làm ra với các ETF. Các chuyên gia phân tích cho rằng, các ETF thường là một giải pháp thay thế rẻ, hiệu quả hơn cho các quỹ đầu tư khác, đặc biệt là trong những thời kỳ có nhiều biến động. Điều này cũng đúng đối với thị trường Việt Nam khi nhà đầu tư cá nhân đang nảy sinh nhu cầu đa dạng từ các sản phẩm ETF.
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Quỹ SSIAM, ETF giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, với chi phí thấp. ETF có thể giải quyết nhiều vấn đề cho nhà đầu tư cá nhân, do được cơ cấu bởi một rổ cổ phiếu. Khi nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ ETF, họ sẽ nắm một rổ cổ phiếu có tỷ trọng giống như chỉ số mà ETF mô phỏng. Điều này giúp nhà đầu tư đạt được lợi suất, ít nhất là tương đương bình quân của thị trường.
Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, chỉ riêng năm 2020, đã có 5 quỹ ETF trong nước được thành lập. Các quỹ ETF mới này không chỉ dựa trên các chỉ số vốn hóa thị trường, như VN30 hoặc VN100, mà còn chọn lọc để đáp ứng nhu cầu của các quỹ đầu cơ và các yêu cầu cụ thể của nhà đầu tư trong nước.
SSIAM hiện là đơn vị vận hành nhiều quỹ ETF nhất tại Việt Nam. Trong đó, ETF SSIAM VNX50 có khối lượng 13,5 triệu chứng chỉ quỹ và ETF SSIAM VNFIN Lead quy mô 80,4 triệu chứng chỉ quỹ, tăng 3,1 lần so với khi niêm yết.
Các quỹ ETF do SSIAM quản lý đều có mức tăng vượt trội từ đầu năm. SSIAM VNFIN Lead đạt mức tăng hơn 54%, trở thành quỹ ETF có mức tăng trưởng cao nhất trên thị trường. Bên cạnh đó, SSIAM VN30 ETF tăng gần 36%, SSIAM VNX50 ETF cũng tăng hơn 33%.
Theo SSIAM, trong những tháng đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, phản ánh cơ hội đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán.
Dòng tiền có xu hướng tập trung ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng... Những cổ phiếu này cũng thường là cổ phiếu thành phần tại các chỉ số như VNX50, VINFIN Lead hay VN30.
Ông Nguyễn Minh Hạnh cho rằng, đầu tư vào ETF nội đồng nghĩa các nhà đầu tư ngoại có thể gián tiếp sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam bị hết “room”. Đây là một trong những điểm hấp dẫn của ETF.
Đặc biệt, các quỹ ETF đang có mức sinh lời cao. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả 3 quỹ đầu tư thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) đều có mức sinh lời cao.
Cụ thể, lợi nhuận của ETF VinaCapital VN100 tăng 38,5% trong 6 tháng đầu năm; Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) tăng 39,1%; Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) cũng tăng 26,6%. Hai quỹ VEOF và VIBF thuộc top 3 quỹ hoạt động tốt nhất trong nhóm quỹ tương ứng. Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của 3 quỹ này là hơn 855 tỷ đồng, với gần 6.000 nhà đầu tư.
Đáng chú ý, chỉ sau một năm thành lập, ETF VinaCapital VN100 đã đạt được kỳ vọng khi mang lại kết quả đầu tư sát nhất với
VN-Index so với các quỹ ETF khác tại Việt Nam. Hiện quỹ này đã nắm giữ danh mục mô phỏng theo chỉ số tham chiếu VN100, gồm 100 mã cổ phiếu đầu ngành niêm yết tại HoSE. Tính đến ngày 30/6/2021, hơn 80% tổng tài sản của Quỹ được đầu tư vào các ngành: tài chính, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và vật liệu.
Trong khi đó, Quỹ DCVFM VNDiamond ETF cũng ghi nhận mức tăng trưởng trong nửa đầu năm nay, với hiệu suất đầu tư lên tới gần 53%. Danh mục của DCVFM VNDiamond ETF cũng có lượng lớn cổ phiếu ngân hàng, thường ở mức tối đa 40% danh mục, cùng với những cổ phiếu tăng trưởng mạnh từ đầu năm như FPT, MWG, PNJ, đã giúp hiệu suất của Quỹ tăng trưởng vượt trội.
Quỹ VietNam Holding (VNH) cũng ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong tháng 6 và kết thúc năm tài chính, tăng gần 100%.
Cạnh tranh hút vốn
Khi thị trường đồng loạt xuất hiện nhiều quỹ, giới đầu tư cũng phải cạnh tranh thu hút dòng tiền.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng hơn 40 quỹ mở nội địa và hàng trăm quỹ nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào Việt Nam. Các quỹ chủ động này có số lượng và quy mô lớn hơn rất nhiều so với các quỹ ETF hiện tại (12 quỹ). Chuyên gia tại SSI cho rằng, số lượng quỹ ETF hiện còn quá ít so với tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như vị thế mà các quỹ này cần có.
Đặc biệt, trong tương lai, khi Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì dòng tiền vào các quỹ ETF sẽ là dòng tiền chính vào Việt Nam, thay vì các quỹ chủ động.
Trước đây, SSIAM đã có quỹ ETF dựa trên chỉ số HNX30 (ETF SSIAM HNX30) và hiện đã đổi thành ETF SSIAM VNX50, nhưng cũng chưa được như kỳ vọng.
“Các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, nhưng họ cũng cần các công cụ phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn. Các chỉ số tham chiếu HNX30 và VNX50 không có các công cụ phòng ngừa rủi ro cung cấp cho họ, nên chưa thật sự thu hút được dòng tiền tham gia”, đại diện SSI thừa nhận.
Đó là lý do để tên tuổi này đưa quỹ chỉ số VN30 với công cụ hợp đồng tương lai (futures contract), nhằm giúp các nhà đầu tư chủ động hơn trong việc bảo hiểm danh mục khi cần thiết và tự tin đầu tư hơn so với các quỹ còn lại.
Hiện nay, dòng vốn nước ngoài vẫn chưa thật sự quay trở lại thị trường, mà mới ở trạng thái dừng rút so với giai đoạn trước đây. Mặc dù dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF nội địa trong thời gian qua, nhưng các quỹ ETF ngoại thì vẫn chưa thật sự thu hút được dòng tiền.
Các quỹ ETF nội thu hút được dòng tiền chủ yếu là quỹ dạng smart beta (một dạng quỹ cung cấp các lựa chọn thay thế cho đầu tư chỉ số thụ động và tìm cách cung cấp hiệu quả cao nhất được điều chỉnh theo rủi ro). Các quỹ ETF này có những câu chuyện riêng, như nhiều cổ phiếu hết room ngoại, hay tập trung vào một ngành nghề hấp dẫn của nền kinh tế và thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư đã bán ra ở giai đoạn trước đang quay trở lại thị trường. Trong khi đó, dòng tiền mới từ các nhà đầu tư nước ngoài dường như chưa thực sự nhập cuộc tại Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện có 12 quỹ ETF (trong đó có 7 quỹ ETF nội), với tổng giá trị tài sản quản lý là 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ ETF ngoại đã tăng 12%, lên 1,4 tỷ USD, trong khi các quỹ ETF nội đã tăng tới 64% lên 1 tỷ USD. Điều này cho thấy, các quỹ ETF nội đang dần có chỗ đứng.