Nhà đầu tư tại Sở Giao dịch chứng khoán London. Ảnh: rob stothard/getty images |
Tại sao chọn London?
London từ lâu là điểm đến hấp dẫn cho các công ty châu Á muốn gọi vốn và cải thiện hồ sơ năng lực. Không chỉ là một trong những thị trường vốn lớn nhất thế giới với đa dạng nhà đầu tư, London còn nằm ở múi giờ lý tưởng, là cầu nối các ngày giao dịch giữa châu Á và Mỹ.
Với các công ty Việt Nam, những thay đổi trong Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) tạo thuận lợi hơn khi niêm yết ở nước ngoài. Cùng với Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), cánh cửa để doanh nghiệp Việt gọi vốn ở thị trường nước ngoài được nới rộng.
Với các thay đổi trên, cùng việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 và Vương quốc Anh khẳng định chắc chắn ý định tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì đây là thời điểm hoàn hảo để doanh nghiệp Việt niêm yết tại London, vươn ra thế giới, đồng thời xây dựng nền tảng để duy trì tăng trưởng liên tục.
Ông Ollie Fox, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á tại Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) cho rằng, các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán London có hiểu biết sâu sắc về động lực kinh doanh ở châu Á và bằng chứng là các công ty châu Á - Thái Bình Dương đã huy động khoảng 40 tỷ USD thông qua LSE trong 10 năm qua. Trong 171 công ty châu Á - Thái Bình Dương niêm yết trên sàn chứng khoán London, có những tên tuổi lớn như Samsung, Mitsubishi, Air China, Toyota, cùng các quỹ đầu tư từ Việt Nam như VEIL, Vina Capital.
London cũng hấp dẫn các doanh nghiệp muốn niêm yết kép. Điều này phù hợp với các công ty Việt có kế hoạch niêm yết cả trong nước lẫn quốc tế, muốn đa dạng hóa khả năng tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế.
Cẩm nang IPO tại London
Để chuẩn bị IPO tại London, các doanh nghiệp Việt cần thể hiện được khả năng quản trị tốt, chất lượng hoạt động và giá trị. Khâu chuẩn bị IPO cần nhiều thời gian và lên kế hoạch chi tiết. Điều quan trọng là phải cho thấy được các biện pháp kiểm soát tài chính hợp lý và hiệu quả, báo cáo quản lý kịp thời, chính xác và cần một giám đốc tài chính giàu kinh nghiệm.
Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rằng, đội ngũ quản lý của mình có lớp kế cận rõ ràng. Điểm quan trọng nữa cần phải thực hiện đúng là tăng cường năng lực quản trị thông qua bổ nhiệm các giám đốc không điều hành có kinh nghiệm.
Trong trường hợp nhất định, doanh nghiệp cần tái cấu trúc trước IPO. Doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lợi nhuận, như chuyển sang sản xuất - kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn hoặc vượt mặt các đối thủ cạnh tranh bằng sự xuất sắc về hoạt động hoặc quy mô. Ngoài ra, xem xét việc thoái vốn và rút khỏi các hoạt động kinh doanh hoặc tài sản không cốt lõi, định rõ các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), nghiêm túc xem xét lại các điều khoản thương mại và củng cố tín dụng.
Bài học lớn từ các thương vụ IPO thành công là phải định giá sát thực tế. Đừng để “mất dấu” các nhà đầu tư. Doanh nghiệp muốn IPO thành công thì cần đảm bảo mức định giá hợp lý để các nhà đầu tư nhìn ra lộ trình tăng trưởng rõ ràng. Một trong những kỹ năng “bán hàng” then chốt trên thị trường London là khả năng huy động vốn thứ cấp một cách nhanh chóng và dễ dàng. Việc định giá doanh nghiệp sát thực tế ở thời điểm IPO có thể hấp dẫn các nhà đầu tư quay lại và rót vốn.
Ông Robin Stevens, Giám đốc Quỹ đầu tư công nghệ Vector Capital chia sẻ: “Việc gia nhập thị trường chỉ là bước khởi đầu chứ không phải điểm kết thúc, doanh nghiệp vẫn cần phải đạt các mục tiêu sau IPO. Tiếp xúc, trao đổi là rất quan trọng vì cần phải có sự tương tác liên tục giữa công ty và các nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng phải luôn cập nhật thông tin về thị trường và cách khôn ngoan là hứa hẹn dưới sức nhưng thực hiện trên sức. Sau cùng, để thành công hậu IPO, doanh nghiệp phải kiểm soát vốn lưu động, duy trì và thể hiện năng lực quản trị mạnh mẽ”.
Thứ không thể thiếu nữa là chuẩn bị bản cáo bạch mô tả về doanh nghiệp một cách đầy đủ, chính xác và không gây hiểu lầm. Bản cáo bạch cần chỉ ra các yếu tố rủi ro, hậu quả của việc niêm yết, thời gian dự kiến của các sự kiện chính/huy động vốn, thông tin tài chính, thuế, vốn hóa và báo cáo nợ. Cùng với đó, làm rõ thông tin về nhân sự chủ chốt - những người này cần có kinh nghiệm làm việc với một công ty niêm yết ở London. Tất cả quá trình này phải được thẩm định và xác minh chi tiết để đảm bảo bản cáo bạch cho thấy bức tranh chính xác về doanh nghiệp.
“Việc doanh nghiệp đáp ứng tất cả các yêu cầu về tuân thủ và quản trị đồng nghĩa với sự đảm bảo cho các nhà đầu tư không chỉ trước IPO, mà còn giảm thiểu rủi ro sau IPO”, ông Jan Mellmann, đối tác tại Công ty luật quốc tế Watson Farley & Williams ở London lưu ý.
Mách nước phương hướng
Một tổ chức phát hành tại Việt Nam có thể niêm yết trực tiếp chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) hoặc thành lập công ty mẹ ở nước ngoài để niêm yết. GDR là chứng chỉ lưu ký đại diện cho cổ phiếu và có thể áp dụng đối với những công ty quy mô lớn, có khả năng đã niêm yết trong nước.
Với các công ty quy mô nhỏ và vừa chưa niêm yết, có thể xem xét thành lập công ty mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực cần phải đối chiếu các quy định về quyền sở hữu trong nước để lựa chọn phương án huy động vốn “vừa miếng”.
Trong một số trường hợp, nhất là khi hoạt động kinh doanh và doanh thu ở Vương quốc Anh chiếm tỷ trọng đáng kể, có thể xem xét thành lập công ty mẹ tại đây.
Nhiều công ty quốc tế đã thành lập công ty mẹ ở địa hạt Jersey với mục đích vươn sang niêm yết ở London. Jersey là lựa chọn hàng đầu bởi sự gần gũi về địa lý và có quan hệ sâu sắc với London, vị thế pháp lý quốc tế, khuôn khổ quản trị doanh nghiệp mạnh mẽ và sự ổn định chính trị. Cổ phiếu của các công ty ở Jersey có thể giao dịch trên CREST - hệ thống lưu ký chứng khoán và thanh toán điện tử được LSE sử dụng. Các cổ đông của công ty ở Jersey được niêm yết tại London có thể được bảo vệ theo Luật M&A của Vương quốc Anh, do đó giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi giao dịch.
Thông thường, công ty mẹ được thành lập bằng cách tái cấu trúc hệ thống trước khi niêm yết. Điều này thường diễn ra dưới hình thức trao đổi cổ phần sao cho các cổ đông hiện hữu được chuyển nhượng đổi lấy cổ phần trong công ty mẹ. Còn đối với hình thức công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), công ty mẹ được thành lập ngay từ đầu, nhằm mua lại một doanh nghiệp hiện có.