Thời gian gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do áp xe gan. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao mà nguyên nhân là do điều kiện ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh nhân bị sán lá gan điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Thông tin từ Khoa Ngoại - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận tới 6 trường hợp bệnh nhân nhập viện do áp xe gan, trong đó có trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Tương tự, vừa qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40; trong đó nữ chiếm 68%.
Điều đáng nói, toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống. Các bác sĩ tại đây cho biết, sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, được thải qua phân ra môi trường bên ngoài.
Người mắc bệnh này thường do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như: Rau ngổ, rau cần, cải xoong…) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.
Trước đó, Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) đã điều trị cho bệnh nhân L.V.Đ. (ở Hà Nội) bị áp xe gan kích thước lớn.
TS.Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy cho biết, tổn thương của bệnh nhân Đ. được đánh giá là nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của anh Đ., nguyên nhân chính của áp xe gan là do sán lá gan lớn.
Đây là loại ký sinh trùng thường sống ký sinh ở những loài rau thủy canh như: Rau cần, rau muống, rau ngổ.
Ngoài áp xe gan thì thói quen ăn đồ tái sống còn khiến bệnh nhân mắc sán lá gan. Gần đây nhất, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 57 tuổi từ Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu.
PGS-TS. Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân PGS-TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua các chẩn đoán từ tuyến dưới, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp ổ bụng và phát hiện giãn đường mật trong gan và được chẩn đoán theo dõi u đường mật.
Tuy nhiên, sau đó các bác sĩ phát hiện thấy nhiều con sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5 - 1cm chui ra theo ống dẫn lưu ra ngoài, kèm theo xét nghiệm phân thấy được trứng sán.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm Sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra tắc, nhiễm trùng đường mật, từ đó vi trùng chui vào máu gây ra nhiễm trùng máu kèm theo nên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng máu hoặc ung thư đường mật.
Còn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cơ sở đã tiếp nhận một nam giới 30 tuổi, quê Nam Định nhập viện vì hoa mắt, đau đầu, từng bị ngất.
Bệnh nhân chia sẻ rằng, ban đầu, khi bị hoa mắt, mệt mỏi, anh nghĩ nguyên nhân do áp lực công việc quá lớn nên ảnh hưởng tới mắt. Tuy nhiên, dù đã khám mắt ở hai bệnh viện nhưng bác sĩ không phát hiện ra nguyên nhân khiến anh bị suy giảm thị lực.
Sau một tuần điều trị ở bệnh viện tuyến huyện không khỏi, bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ và nghi ngờ anh có ổ sán trên não.
Bệnh nhân được giới thiệu tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Theo kết quả chụp X-quang, các bác sĩ xác định người này bị nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương.
Phim chụp cho thấy có nhiều nang sán rải rác trong não. Nguyên nhân do bệnh nhân thường xuyên ăn các loại thịt lợn tái, tiết canh.
TS. Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, Bệnh viện đã điều trị một số ca bệnh sán não, chủ yếu là người có sở thích ăn các đồ tái, đồ sống như thịt sống, nem chạo, nem thính, tiết canh.
Về mức độ nguy hại của thói quen ăn sử dụng không đảm bảo an toàn thực phẩm ngoài áp xe gan, sán lá gan, sán ở não có thể kế đến sát thủ liên cầu khuẩn.
Thời gian qua TP.Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó đã có trường hợp tử vong. Theo PGS-TS. Đỗ Duy Cường, hầu hết các ca bệnh đều liên cầu khuẩn mà cơ sở điều trị đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Thậm chí, một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... Khi ăn những món tiết canh này cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, khi ăn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.
Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.
Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, TS.Vũ Trường Khanh cho rằng, người dân cần chú ý thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh...
Ngoài ra, không ăn rau sống chưa được rửa sạch, nhất là không nên ăn rau thủy canh sống như: Rau cần, rau muống dưới nước, rau ngổ dưới nước… Không uống nước không bảo đảm vệ sinh và chưa được đun sôi như nước lã, nước sông, hồ, suối...
Cùng với đó, luôn tuân thủ quá trình chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Không được dùng phân tươi bón rau. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Còn TS. Trần Huy Thọ khuyên, để phòng chống các bệnh do giun sán, người dân cần bỏ thói quen ăn thực phẩm tái, sống. Người dân nên duy trì thói quen ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, nên định kỳ tẩy giun để bảo vệ sức khỏe bởi thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển.
Ngoài ra, nếu không may mắc bệnh thì việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục, đáp ứng điều trị sẽ tốt hơn nhiều so với phát hiện muộn.
Với liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín… không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn như: Sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.