Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nhiều đại biểu tiếp tục có những ý kiến liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đặc biệt là về vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn...
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đối với doanh nghiệp đang cần. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn.
Trước ý kiến của các đại biểu, Thống đốc cho hay, về lãi suất, sở dĩ năm 2022, NHNN buộc phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao là 2 lý do.
Thứ nhất là, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021.
Thứ hai là, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn (thời điểm tháng 9, tháng 10/2022, VNĐ chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%). Tăng lãi suất là giải pháp để tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm này, NHNN đã quyết liệt điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.
Lý giải việc không điều chỉnh room tín dụng đầu quý IV/2022 khi hàng loạt ngân hàng khát room, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự cố rút tiền hàng loạt xảy ra tại SCB tháng 10/2022 gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.Từ việc đổ vỡ của nhiều ngân hàng Mỹ thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn.
Về tín dụng, Thống đốc thừa nhận tín dụng 5 tháng đầu năm nay tăng thấp (khoảng 3%). Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cho rằng, không thể nói tăng trưởng tín dụng thấp là do chính sách bởi thanh khoản tiền được duy trì dồi dào, thậm chí dư thừa. Sang nửa đầu năm nay, dư địa room tín dụng của các ngân hàng rất rộng rãi, dư thừa, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.
Nguyên nhân chính khiến tín dụng khó tăng, theo NHNN là từ phía doanh nghiệp không có đơn hàng, không có đầu ra nên cầu tín dụng yếu. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại nhưng cần có thêm thời gian. Thống đốc cho rằng, doanh nghiệp cũng như các cơ quan cần hướng đến khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.
"Về phía Ngân hàng Nhà nước thì trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, chúng tôi điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, cũng ban hành thông tư để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát để giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay, căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ và cũng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo", Thống đốc khẳng định.
Về tín dụng bất động sản, Thống đốc thừa nhận tăng trưởng tín dụng bất động sản thường cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, muốn thúc đẩy tín dụng lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp cần tháo gỡ khó khăn pháp lý.
“Những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý, nên giải pháp bây giờ phải tập trung và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp cũng cần rà soát để điều chỉnh giá bất động sản để kích thích tín dụng doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà", Thống đốc nhận định.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án. Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cao, nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi quyết định vay để mua một căn hộ là do người dân. Việc này, theo Thống đốc, sẽ được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt trong luật nhà ở hiện nay trình Quốc hội kỳ này đã có điểm "cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân.
Riêng về việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thống đốc thừa nhận đây là việc tồn đọng, khó xử lý. Thống đốc mong đại biểu Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ bởi tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện khó khăn càng khó hơn. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngân hàng đầu tiên và cũng yêu cầu phải tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu.
"Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương cấp có thẩm quyền và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt các bước để trước khi phê duyệt đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật", Thống đốc cho biết thêm.