Ngân hàng - Bảo hiểm
Thống đốc lý giải vì sao nhiều dự án bất động sản có khả năng trả nợ vẫn không vay được vốn
Thùy Liên - 28/10/2024 15:33
Trả lời trước Quốc hội chiều nay (28/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải thích nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh lãi suất cho vay cao, khó tiếp cận vốn.
TIN LIÊN QUAN
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Cho vay bất động sản luôn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn kỳ hạn

Hôm nay (28/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Một số đại biểu phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời điểm thị trường bất động sản sôi động trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Đây là một trong các lý do đẩy giá nhà tăng cao.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần do các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản, có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12-14%.  

Liên quan đến vấn đề tín dụng bất động sản, Thống đốc cho hay, vốn cho bất động sản đòi hỏi giá trị lớn, thời hạn dài nên phải được huy động từ nhiều kênh, tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng cũng như tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất, kỳ hạn vay. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường khác, khi cho vay, các TCTD ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng chi trả cho người gửi tiền. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn của TCTD đó mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống và cả nền kinh tế.

“Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường bất động sản chủ yếu lại là vay dài hạn”, Thống đốc cho biết.

Cũng liên quan đến phản ánh doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết thêm, ở một số thời điểm, hệ thống ngân hàng sẽ phải ưu tiên mục tiêu cấp bách hơn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, nửa cuối năm 2022, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp rất khó khăn, ngay cả khi có tài sản đảm bảo. Về vấn đề này, Thống đốc giải thích thêm, do sự cố tại Ngân hàng SCB vào đầu tháng 10/2022 có ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống, đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá có thể tăng tới 10%.

Trong bối cảnh đó, NHNN đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, khi đó, NHNN tăng lãi suất tiền gửi và không nới room tín dụng nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống. Tại thời điểm đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng rất thận trọng cho vay, nhất là cho vay các dự án bất động sản có kỳ hạn dài, nhằm đảo bảo thanh khoản của mình. Đến khi thanh khoản cơ bản ổn định, cuối tháng 12/2022, NHNN mới nới room tín dụng.

Với phản ánh của một số đại biểu về lãi suất cho vay còn cao, Thống đốc cho rằng, người vay bao giờ cũng mong muốn lãi suất thấp là điều dễ hiểu. Dù vậy, Thống đốc mong Quốc hội nhìn nhận sự cố gắng của ngành ngân hàng. Những năm qua, lãi suất trên thế giới liên tục tăng cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn được kiểm soát, lãi suất cho vay hiện đã giảm 3% so với đầu năm 2022.

So với mặt bằng lãi suất chung, lãi suất cho vay bất động sản thường cao hơn do kỳ hạn dài, bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi suất huy động cao hơn cho các kỳ hạn dài.

Dù các doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận tín dụng, song theo Thống đốc, thực tế tín dụng bất động sản vẫn tăng nhanh thời gian qua, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và hiện đang đạt dư nợ 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Cho vay nhà ở xã hội: Ngân sách vẫn là nguồn quan trọng nhất

Đối với tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc cho hay, việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước.

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách nhà ở xã hội song ngân hàng này chỉ là đơn vị giải ngân, đối tượng vay do quy định của các bộ, ngành đề ra.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho nhà ở xã hội còn hạn chế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã “ủng hộ” phát triển nhà ở xã hội bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 145.000 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn do các tổ chức tín dụng tự huy động được từ người dân, sử dụng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho người vay.

“Giải ngân gói tín dụng này vẫn còn hạn chế (1.700 tỷ đồng), do đang ở giai đầu. Hơn nữa, sau covid 19, nguồn thu của người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn nên cầu vốn chưa cao. Hy vọng thời gian tới, khi khó khăn giảm bớt, cầu vốn của người dân sẽ tăng lên”, Thống đốc kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác