Thời sự
Thống nhất trình Quốc hội đầu tư bổ sung vốn nhà nước cho Vietcombank
Nguyễn Lê - 24/09/2024 18:59
Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.
Phiên họp chiều 24/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Việc đầu tư bổ sung vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại (sau thuế, sau trích lập các quỹ và sau khi đã chi trả tiền mặt) lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8.

Cụ thể là chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank

Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 được thực hiện theo quy định.

Đánh giá tác động, Chính phủ cho rằng, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Vietcombank trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tỷ lệ CAR theo quy định; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị.

Trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói ông đồng tình với tờ trình của Chính phủ về bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và tán thành đưa nội dung này vào nghị quyết chung Kỳ họp thứ 8.

Tuy nhiên, ông Mẫn đề nghị khi trình Quốc hội cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó có tác động tới các chính sách của ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư.

“Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội và nguồn vốn đầu tư này phải rất kỹ để thuyết phục các vị đại biểu Quốc hội. Khi trình Quốc hội cần lý giải thêm là có hay không việc cần thiết ưu tiên mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động kinh doanh để tiếp tục phát huy chính sách của Nhà nước, hỗ trợ nền kinh tế”, ông Mẫn lưu ý.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ qua thảo luận và xem xét hồ sơ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết, mức vốn, phương án bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với các nội dung như tờ trình của Chính phủ.

Ông Định đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, bảo đảm gửi đại biểu Quốc hội trước 1/10/2024.

Tin liên quan
Tin khác