Thời sự
Thống nhất trình Quốc hội dự án đường cao tốc 146.990 tỷ đồng
Nguyễn Lê - 13/12/2021 08:47
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo giải trình đầy đủ hơn về quy mô, tính toán kỹ tổng mức đầu tư và có phương án thu hồi vốn khả thi. 


Cân đối 72.497 tỷ đồng từ gói hỗ trợ

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án trên trong phiên họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án với tổng chiều dài 729 km, đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần và sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần theo quy mô phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí 119.666 tỷ đồng (bằng 81,4% tổng mức đầu tư). Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, cần bổ sung 72.497 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tính toán này còn khá mong manh, bởi theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, giữa tiến độ giải ngân của Dự án và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có độ vênh về thời điểm. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu thực hiện trong năm 2022-2023, còn trọng tâm của Dự án thì lại rơi vào giai đoạn sau.

Đáng chú ý, liên quan đến quy mô đầu tư, Chính phủ đề xuất phương án giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h cho tất cả các đoạn của Dự án.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ô tô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75 m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp).

Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17 m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, đa số tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 2 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100 km/h trở lên.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17 m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án, nhưng với quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80 km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau.

“Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe, 24,75 m. Đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thêm phương án đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe, rộng 24,75m so với quy mô 4 làn xe, rộng 17 m để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác và mở rộng giai đoạn sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ - Cà Mau.

Đồ họa: Đan Nguyễn

Tránh lặp lại sự chậm trễ của giai đoạn I

Trong tổ chức thực hiện, Chính phủ đề nghị giao một số địa phương nơi Dự án đi qua có đủ năng lực, kinh nghiệm được quản lý đầu tư xây dựng.

Đề nghị này không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra cũng như các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng. Để triển khai nhanh, chỉ đạo tập trung thống nhất, thì việc giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án là hợp lý.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, để triển khai Dự án đúng tiến độ thì các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án, tránh để rơi vào tình trạng của giai đoạn I, ban đầu công bố đấu thầu quốc tế, xong hồi kết lại cho rằng rủi ro nên trình lại để đấu thầu trong nước. Rồi lúc đầu trình 8 gói PPP và 3 gói đầu tư công, nhưng sau đó trình lại 3 gói PPP và 8 gói đầu tư công.

“Riêng hai việc đó mất gần 4 năm, chứ không đến mức độ luật pháp cản trở đầu tư. Ta cứ nói vướng pháp luật, nhưng không hẳn như vậy. Luật Đầu tư công đã sửa, Luật PPP cũng đã sửa, nên đừng để giai đoạn II rơi vào trình trạng như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giao Bộ GTVT quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần, mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ông Hải nhấn mạnh, đây là cơ chế hiện nay đang thực hiện, cơ bản không có vướng mắc. Nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện Dự án. Đặc biệt, đây là dự án quan trọng quốc gia, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và thi công đồng bộ, nên cần quản lý tập trung, thống nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án thu hồi vốn khả thi khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác. Có các giải pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện khác để đảm bảo hoàn thành dự án chất lượng, đúng tiến độ.

Tiếp tục chuẩn bị gói chính sách tài khóa, tiền tệ

Bên cạnh dự án đường cao tốc mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đốc thúc chuẩn bị 3 nội dung khác dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, trong đó có tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 9/12 và theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chưa đạt yêu cầu, phải chuẩn bị tiếp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không nên xem gói chính sách tài khóa, tiền tệ là đầu tư công mở rộng, mà là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Từ đó, cần đầu tư công sức để chuẩn kỹ lưỡng hơn nữa, phải dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế để đề xuất cho phù hợp, khả thi.
Tin liên quan
Tin khác