Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hướng dẫn đoàn tàu đầu tiên vượt hầm Eo Gió sau hơn 10 ngày ách tắc do đất đá sạt trượt. |
Với nỗ lực của hàng trăm công nhân, lao động ngành đường sắt cùng các đơn vị thi công, sau 10 ngày bị gián đoạn do sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió qua đèo Cả thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, từ 18h chiều nay, tất cả các đoàn tàu sẽ có thể thông qua hầm bãi gió, với tốc độ 5km/h.
Trước đó, vào lúc 12h45 ngày 12/4/2024, tại khu vực hầm Bãi Gió (đèo Cả) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc đường sắt chính tuyến Bắc – Nam đoạn qua hầm Bãi Gió trong gần 10 ngày qua.
Hầm Bãi Gió tại Km1231+188, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM có chiều dài 393,72m, được xây dựng từ năm 1935, sau gần 100 năm khai thác, sử dụng, hầm đã bị xuống cấp nặng và hiện đang được sửa chữa, gia cố theo Gói thầu số 11A, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang do Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, ngành đường sắt đã huy động hàng trăm công nhân cùng phương tiện, máy móc nỗ lực cùng các đơn vị thi công ngày, đêm khẩn trương khắc phục sự cố.
Tuy nhiên, do điều kiện địa chất phức tạp, liên tục sạt trượt, mặt bằng thi công hạn chế nên công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn, gây khó khăn và thiệt hại nặng nề đến kết hoạch chạy tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do hàng nghìn hành khách trả vé và hàng trăm chuyến tàu vận chuyển hàng hóa phải hủy bỏ.
Cụ thể, sự cố sạt lở hầm Bãi Gió khiến giao thông đường sắt trên tuyến Bắc – Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các đoàn tàu từ hai hướng không thể lưu thông khu vực và phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và Ga Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Để duy trì hoạt động vận tải, giảm thiểu tối đa thiệt hại và ảnh hưởng đến hành khách, trong gần 10 ngày (từ 12/4 đến 17h ngày 21/4), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện việc chuyển tải an toàn gần 30.000 hành khách trên 110 đoàn tàu khách. Trong thời gian chờ chuyển tải, hành khách được phục vụ suất ăn, nước uống miễn phí.
Công tác khắc phục sự cố được ngành đường sắt thông báo và cập nhật thường xuyên tới hành khách, chủ hàng; việc tổ chức phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga chu đáo nên nhận được sự thông cảm, chia sẻ lớn từ phía hành khách, chủ hàng.
Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng sự cố ảnh hưởng đến lịch trình, hàng nghìn hành khách đã trả lại vé đã mua trong các ngày từ 12-21/4.
Về hàng hóa, do ảnh hưởng của sự cố, hàng trăm đoàn tàu hàng đã phải dừng dọc đường hoặc chờ kế hoạch tại các ga xuất phát. Nhiều chủ hàng vận chuyển hàng đông lạnh, hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng… đã hủy đơn hàng vận chuyển bằng đường sắt.
Trước đó, vào ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ GTVT để xử lý sụt lở hầm Bãi Gió trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.
Tổ công tác do ông Nguyễn Danh Huy làm tổ trưởng, các thành viên là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban quản lý dự án 85, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Sở GTVT Phú Yên và Khánh Hòa: Tổ viên; lãnh đạo các nhà thầu thi công (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 3; Công ty cổ phần Sông Đà 10; Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh).
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo chung các vấn đề liên quan trong quá trình xử lý sự cố hầm Bãi Gió theo thẩm quyền của Bộ trưởng GTVT; họp giao ban trực tuyến hàng ngày với Tổ công tác hiện trường để theo dõi, đôn đốc và kịp thời xử lý các nội dung liên quan nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và thông tuyến trong thời gian sớm nhất.