Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/1/2025, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, bao gồm viêm phổi do virus hMPV, cúm mùa, và virus hô hấp hợp bào (RSV), đang gia tăng tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, đặc biệt trong mùa đông.
WHO khuyến cáo các quốc gia cần tập trung vào các biện pháp như đeo khẩu trang tại các khu vực đông người, có không khí kém thông thoáng. |
Sự gia tăng này là xu hướng tự nhiên vào thời điểm cuối năm khi các bệnh hô hấp thường có mức độ lây lan cao hơn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là không có tác nhân gây bệnh nào bất thường hay đột biến gây lo ngại trong thời gian qua.
Tại Trung Quốc, dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, công bố ngày 29/12/2024, cho biết số ca mắc các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có sự gia tăng theo mùa, nhưng không có tình trạng vượt quá mức báo động.
Hệ thống y tế của Trung Quốc hiện không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và các cơ sở y tế cũng không phải triển khai các biện pháp khẩn cấp.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, virus hMPV không phải là một virus mới và đã được ghi nhận là tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em. Tại TP.HCM, tỷ lệ nhiễm hMPV ở trẻ em chiếm 12,5% trong tổng số các ca bệnh viêm phổi do các tác nhân hô hấp khác như virus rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%) và một số tác nhân khác.
Báo cáo từ chương trình nghiên cứu hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, và các cơ sở y tế khác cho thấy, virus hMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5%) trong các ca viêm phổi cộng đồng so với các tác nhân viêm phổi phổ biến khác như vi khuẩn H. influenzae (71,4%), S. pneumoniae (42,9%) và các virus như cúm A (25%), rhinovirus (44,6%) và RSV (41,1%).
Tuy nhiên, việc nhận diện chính xác các tác nhân gây bệnh rất quan trọng trong việc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, nhất là khi các tác nhân gây bệnh hô hấp có thể dễ dàng lây lan trong những tháng mùa đông.
WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên, đặc biệt ở các khu vực có mùa đông lạnh, cần duy trì giám sát chặt chẽ các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp, bao gồm virus hMPV, cúm, RSV và những virus khác.
WHO cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp phòng ngừa cơ bản cần được thực hiện để giảm thiểu sự lây lan của bệnh, bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và những người có bệnh lý nền.
Đặc biệt, WHO khuyến cáo các quốc gia cần tập trung vào các biện pháp như đeo khẩu trang tại các khu vực đông người, có không khí thông thoáng kém.
Rửa tay thường xuyên và sử dụng dung dịch sát khuẩn. Thực hiện các biện pháp vệ sinh hô hấp, che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy. Tiêm vắc xin phòng cúm và các bệnh hô hấp khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Đối với những trường hợp có triệu chứng nhẹ, WHO khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan cho những người khác. Nếu bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương và bệnh viện tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ cung cấp thông tin chính xác và kịp thời để tránh tình trạng hoang mang, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Các biện pháp như tiêm vắc-xin phòng cúm mùa, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách với người bệnh vẫn là những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của các bệnh hô hấp.
Người dân cần nâng cao nhận thức về các bệnh lý hô hấp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trường hợp có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, người dân nên chủ động đi khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền) cần đặc biệt chú ý và chủ động phòng ngừa, tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh.