Đầu tư và cuộc sống
Thông tin mới về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
D.Ngân - 30/12/2023 07:34
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn, gồm Ngoại Ngữ, Lịch Sử, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Địa Lý, Giáo Dục Kinh Tế và Pháp Luật, Tin Học, Công Nghệ.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi.

Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với gần 5.000 học sinh tham gia.

Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo mời các chuyên gia (là tác giả chương trình giáo dục phổ thông mới, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố.

Thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện đến lớp 11. Do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Trong phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy. Thời gian làm bài thi môn ngữ văn là 120 phút; toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.

Nhận định về đề thi minh hoạ do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố theo các giáo viên của Hệ thống giáo dục Hocmai, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.

Theo đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.

Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng để thi: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. 

So với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Lịch sử có những điểm đổi mới sau:

Về số lượng câu hỏi: Gồm 28 câu hỏi với 40 lệnh hỏi làm trong thời gian 50 phút. Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm dạng thức câu hỏi mới là trắc nghiệm đúng sai với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức.

Cụ thể như sau: Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.

Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học). 

Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 70%  nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Như vậy, với đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Với môn Ngữ Văn, theo đại diện Hocmai, dựa trên đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kỹ năng và năng lực đọc- hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi.

Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng viết, đặc biệt là viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật. 

Nhìn chung với môn Ngữ Văn, theo giáo viên của Hocmai, đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; 

Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc- hiểu thể loại văn học, rèn luyện kỹ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 - 7,25 điểm;

Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng…

Đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Với môn Toán, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.

Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học). 

Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.

Như vậy, với đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Tin liên quan
Tin khác