Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Sáng 21/10, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã đề cập đến vấn đề môi trường.
Theo ông, vừa qua nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng "chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời để khắc phục".
Ngoài ra, "việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân".
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương. Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM.
Sáng cùng ngày, trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN nói, người dân đánh giá công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã được quan tâm, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Do vậy, MTTQ VN đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường.
"Đề nghị Chính phủ thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh", ông Mẫn nói.
Trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính là 1.057 tỷ đồng.
Vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng đông khiến đơn vị này thiệt hại 150 tỷ đồng và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người dân sống trong khu vực.
Vụ nguồn nước do Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà cấp cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội bị ô nhiễm, có hàm lượng chất Styren nguồn gốc từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần.