Tài chính - Chứng khoán
Thông tư 36 tác động mạnh đến thị trường tài chính
Thùy Linh - 25/12/2014 15:56
Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015. Thông tư 36 được dự báo sẽ có tác động mạnh đến các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thị trường ‘dò dẫm’ tăng trong thận trọng
Mong dòng tiền lớn thức giấc
“Án oan” mang tên Thông tư 36?
Vốn ngoại vẫn ở lại TTCK Việt Nam
Không loại trừ hành vi bán khống để ép giá

Với thị trường chứng khoán, ngay từ trước khi Thông tư 36 được bạn hành, tâm lý của thị trường đã bị ảnh hưởng. Điều 14 của Thông tư 36 quy định tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nhiều điều kiện hạn chế khác được quy định như tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Với mức giảm gần 6% trong 10 ngày, thị trường chứng khoán phản ứng khá mạnh với Thông tư 36

Hiện nay, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng là 435.243 tỷ đồng. Nếu loại trừ 86.636 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng nước ngoài, vốn lâu nay không tham gia thị trường cho vay chứng khoán, thì tổng vốn điều lệ của các ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán là 348.607 tỷ đồng.

Trước khi Thông tư 36 được ban hành, hạn mức tối đa đặt ra là 20% vốn điều lệ (tương đương 69.721 tỷ đồng). Giờ đây, nếu loại trừ vốn điều lệ của các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% - ước tính khoảng 86.449 tỷ đồng, 5% của số vốn điều lệ còn lại của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay đầu tư chứng khoán đạt khoảng 13.108 tỷ đồng, giảm 81% so với giá trị trước đây là 69.721 tỷ đồng. Số ngân hàng có nợ xấu trên 3% dự kiến còn tăng lên từ đầu năm 2015 sau khi Thông tư 02/2013 và Thông tư 09/2014 của NHNN có hiệu lực, sẽ tiếp tục khiến lượng vốn có thể cho vay suy giảm. Vì vậy, thị trường đã phản ứng mạnh, vì cho rằng, một lượng vốn lớn sẽ bị rút ra khỏi thị trường. Chỉ số VN-Index giảm 35 điểm trong vòng 10 ngày, từ ngày 18/11 đến 28/11/2014.

Theo đánh giá chung, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chưa bao giờ dùng đến 5% vốn điều lệ để cho vay kinh doanh chứng khoán. Mặc dù có một số ngân hàng lớn không tham gia nhiều hoạt động kinh doanh này, nhưng chắc chắn có một số ngân hàng nhỏ đang có mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán cao hơn nhiều mức 5% vốn điều lệ. Các ngân hàng này sẽ phải giảm lượng cho vay này, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

Điều 14 cũng không cho phép tổ chức tín dụng cấp tín dụng, đầu tư kinh doanh cổ phiếu với những người có liên quan của các đối tượng quy định tại Điều 126 và Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng, vốn cũng là những đối tương mà tổ chức tín dụng bị cấm cấp tín dụng, bao gồm thành viên HĐQT, Hội đồng Thành viên, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành… hay bị hạn chế cấp tín dụng như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiểu trên cơ sở bảo đảm của tổ chức tín dụng khác, hoặc cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác và cổ phiếu hình thành từ vốn vay. Không được cấp tín dụng trung dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng thương mại đó, trừ trường hợp cho vay đối với người lao động để mua cổ phần phát hành lần đầu. Những quy định này có thể sẽ làm tăng cung cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.  

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là, các điều khoản quan trọng trong Thông tư 36 đều có thời hạn chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, đối với các hợp đồng được ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng và không được gia hạn hợp đồng này.

Riêng đối với các quy định tại Điều 14 về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, Thông tư 36 chỉ quy định tại Điều 25 rằng, các tổ chức tín dụng không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng nào cho đến khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 14, và có biện pháp thu hồi các khoản tín dụng này. Ngoài ra, không có quy định về thời hạn cụ thể bắt buộc phải tuân thủ.

Theo VPBank, trong vòng hơn 1 năm tới, tính đến ngày 1/2/2016, các tổ chức tín dụng sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn và tài sản phù hợp với Thông tư 36. Chịu nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là các ngân hàng tồn tại tình trạng vốn ảo, sở hữu chéo và có tình trạng cổ đông lớn lũng đoạn ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác