Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận gồm hai dự án thành phần, sử dụng vốn BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao) và vốn trái phiếu Chính phủ.
Cụ thể, dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hình thức hợp đồng BOT dài 44,7km với tổng mức đầu tư 2.587 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 1A Bình Thuận làm nhà đầu tư.
Sau gần hai năm triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 21/6 tới với chất lượng đảm bảo. Để thu hồi vốn cho dự án, chủ đầu tư dự kiến sẽ tiến hành thu phí từ tháng 7/2015 với thời gian thu phí gần 21 năm.
Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 1 Bình Thuận, cho biết quy mô tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng (khu vực ngoài đô thị) với vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Đối với những đoạn tuyến qua đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, bề rộng nền đường 20,5m. Trong suốt quá trình triển khai, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Đối với dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dài 73,2 do Ban Quản lý dự án 1 làm chủ đầu tư. Ông Hoàng Đình Phúc cho biết, tổng mức của dự án là 5.118 tỷ đồng, với 10 gói thầu xây lắp, sau 17 tháng thi công, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 7 tháng so với yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. Về cấp độ đường, đoạn qua đô thị theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Chia sẻ về quá trình thi công dự án, Tổng giám đốc Hoàng Đình Phúc cho biết thêm, thời gian đầu dự án triển khai chưa bắt kịp kế hoạch đề ra do mặt bằng khó khăn và nguồn vật liệu khan hiếm, một số nhà thầu thi công yếu kém.
Ban Quản lý dự án 1 đã phải nhiều lần trình Bộ Giao thông Vận tải điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu hoặc bổ sung thầu phụ. Trong giai đoạn thi công bêtông nhựa lớp trên và lớp dưới, một số hộ dân cản trở thi công do lu rung làm nứt nhà…. Tuy nhiên, là dự án trọng điểm quốc gia nên luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông Vận tải, vì thế dự án đã vượt qua khó khăn về đích trước thời hạn mà Bộ đề ra.
Theo đánh giá, việc rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình vào khai thác sớm so với kế hoạch không chỉ giúp nhà đầu tư tiết giảm kinh phí xây dựng mà còn góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.