Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Đ.T |
Bước nhanh đến sự phục hồi
Nếu coi con số 20,38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong năm 2019 là kỷ lục, là dấu mốc quan trọng cho sự khác biệt giữa trước và sau đại dịch Covid-19, thì có vẻ như Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi trong thu hút FDI. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 11 tháng qua, giải ngân vốn FDI đã đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Do ảnh hưởng của đại dịch, từ mức kỷ lục năm 2019, trong 2 năm qua, giải ngân vốn FDI đã chậm lại đáng kể, năm 2020 là 19,98 tỷ USD, còn năm 2021 là 19,74 tỷ USD. Nhưng năm nay, câu chuyện có thể sẽ khác.
Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân vốn FDI năm nay có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021. Nếu đạt được con số này, thì có nghĩa, thu hút FDI của Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi.
“Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Tuy nhiên, trong khi vốn giải ngân phục hồi nhanh và đang tăng tốc, thì vốn đăng ký chưa được như kỳ vọng, dù trên thực tế, năm 2021, đã có tới 38,85 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, cao hơn cả con số 38,02 tỷ USD của năm 2019.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 11 tháng qua, đã có 25,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021. Vẫn giảm, nhưng tình hình đã được cải thiện, bởi con số 95% đã cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Ngay cả vốn đăng ký mới cũng dần có sự cải thiện. 11 tháng, có 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng đã tăng 5,7 điểm phần trăm so với 10 tháng.
Hơn nữa, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, nếu không tính 2 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái (Dự án Điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD - PV) và đều là các dự án đã được đàm phán trong 7-8 năm trước đó, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ. Số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm.
Trong khi đó, vốn điều chỉnh vẫn tăng khá mạnh, đạt 9,54 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Tuy vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt gần 4,08 tỷ USD, bất ngờ “quay đầu”, giảm 7% so với cùng kỳ, khiến tính chung, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 11 tháng tiếp tục giảm, song rõ ràng, xu hướng đang ngày càng tích cực hơn.
Chuẩn bị cho sự tăng tốc?
Ít ngày trước đây, Samsung Việt Nam đã tổ chức Vòng thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test) để tuyển dụng các các kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp đại học cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Sẽ không có gì đáng nói nếu đây không phải là lần thứ 3 trong năm, Samsung tổ chức kỳ thi này. Mọi năm, Samsung chỉ tổ chức 2 kỳ thi mà thôi.
“Năm 2022 không chỉ là năm đầu tiên Samsung tổ chức liên tiếp 3 kỳ thi tuyển dụng quy mô lớn, mà còn là năm Tập đoàn thực hiện các kế hoạch mở rộng đầu tư và phát triển mới của mình”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Samsung tăng cường tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Tháng 8/2022, khi sang Việt Nam, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử cho biết, Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay.
Tới thời điểm này, mới có hơn 2 tỷ USD được hiện thực hóa. Tuy nhiên, thông tin đáng mừng là trong tháng 12 tới, Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm R&D mới tại Hà Nội, quy mô 220 triệu USD. Trong đợt tuyển dụng lần thứ 3 nêu trên, Samsung cũng nhắm đến việc “săn” nhân lực cho trung tâm R&D mới của mình.
Trong báo cáo về tình hình thu hút FDI 11 tháng năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhắc đến việc một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới. Một khi các kế hoạch này được triển khai, vốn FDI sẽ tăng tốc vào Việt Nam.
Các thông tin tích cực cũng đã được chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây. Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản), thì khi sang Việt Nam lần tới, ông sẽ “bay cùng các nhà đầu tư” đang hoạt động thực tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong vài năm gần đây.
“Theo các con số thống kê, đã có 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây. Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều thương vụ M&A với Nhật Bản nhất”, ông Masataka nói và cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm đối với thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, theo của ông Trương An Dương, Tổng giám đốc Khối bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam, công ty này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Frasers đầu tư thêm lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Lý do đơn giản là, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng tốc vào Việt Nam trong thời gian tới.