Với việc tăng cước phí SMS ngân hàng, rất nhiều khách hàng đã hủy sử dụng dịch vụ này |
Vì sao nhà băng làm căng đòi giảm giá cước?
Cuộc giằng co giữa nhà băng và nhà mạng về vấn đề cước phí SMS dịch vụ ngân hàng đã kéo dài 2 năm. Các ngân hàng liên tục tố rằng, giá cước SMS dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh 15-20 triệu SMS/tháng, còn ngân hàng quy mô lớn phát sinh 50-80 triệu SMS/tháng. Nếu tính mức giá bình quân 800 đồng/SMS, thì mỗi tháng, một ngân hàng quy mô lớn sẽ trả cho nhà mạng khoảng 64 tỷ đồng cước phí SMS, tương đương 786 tỷ đồng/năm. Với ngân hàng quy mô nhỏ, cước phí SMS phải trả hằng tháng cho khoảng 20 triệu SMS là khoảng 16 tỷ đồng, tương đương 192 tỷ đồng/năm. Với 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, cước phí mà các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng/tháng.
Cuối năm 2021, các ngân hàng thông báo với khách hàng về việc tăng phí SMS Banking. Cụ thể, Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng, tùy số lượng tin nhắn. Ngân hàng BIDV thu phí từ 0-15 SMS/tháng là 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng là 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng là 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng là 77.000 đồng. Techcombank thu phí 13.200 đồng đối với khách hàng sử dụng 0-15 SMS/tháng, 16-30 SMS/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 SMS/tháng thu 44.000 đồng/tháng, trên 61 SMS/tháng thu 82.500 đồng/tháng.
Lý giải việc thu phí cao, các ngân hàng cho biết, hiện nay, khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (mật khẩu giao dịch một lần) qua SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với SMS gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ SMS và trả phí cho các nhà mạng.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, Ngân hàng không thu một đồng nào của khách, mà đây là thu hộ cho các nhà mạng. Để không phải trả phí, người dân nên hủy dịch vụ này và đăng nhập ứng dụng VCB Digibank, mọi thông báo biến động số dư miễn phí sẽ được nhận qua app này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao gấp 3 lần phí tin nhắn bình thường. Nếu các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng, thì rất mang tiếng, nhưng nếu miễn phí cho khách hàng, thì các tổ chức tín dụng không thể “gánh” được cước phí nhà mạng thu. Đặc biệt, trong bối cảnh đang hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay, các tổ chức tín dụng đã rà soát và xem xét lại để hạn chế tối đa sử dụng dịch vụ tin nhắn, chuyển sang thông báo số dư qua app ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp để giảm chi phí cho người dân.
“Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã miễn toàn bộ cước phí cho khách hàng, thì cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của các nhà mạng cũng nên xem xét lại. Các bên nên ngồi với nhau để đưa ra mức phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng”, ông Hùng đề xuất.
Nhà mạng nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một nhà mạng cho biết, nhà mạng này cung cấp SMS theo gói cho các ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng bán lại, thu tiền từ khách hàng sử dụng dịch vụ SMS ngân hàng. Đây là gói bán dành cho khách hàng doanh nghiệp và từ nhiều năm nay, các nhà mạng không hề tăng giá SMS.
“Bản chất việc ngân hàng bán lại dịch vụ SMS của mình là hình thức kinh doanh của họ. Họ phải tự cân đối, tự chịu lãi lỗ. Mặt khác, đáng lẽ dịch vụ SMS phải là dịch vụ tiện ích miễn phí dành cho khách hàng, nhưng ngân hàng lại thu phí. Các ngân hàng kêu lỗ, nhưng họ không chứng minh, không đưa ra được con số cụ thể bù lỗ là bao nhiêu, mà đẩy sang cho nhà mạng”, đại diện nhà mạng này cho biết.
Còn một nhà mạng khác thì chia sẻ lý do giá dịch vụ SMS ngân hàng cao hơn SMS cá nhân là do dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname) cho doanh nghiệp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn, nên phí dịch vụ cũng cao hơn. Theo đó, đặc thù tin nhắn các ngân hàng yêu cầu mức độ dịch vụ cao nhất, nên nhà mạng phải triển khai trên một hệ thống riêng biệt để luôn đảm bảo dự phòng, tránh sự cố gây gián đoạn dịch vụ, cũng như có tốc độ xử lý tin nhắn nhanh, giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm.
“Nhà mạng phải đầu tư nâng cấp hệ thống riêng, phải có nhân sự túc trực 24/7, phải đảm bảo cả tốc độ, bảo mật, độ ổn định, nên giá cước SMS brandname ở mức độ cao không thể thấp như giá cước SMS thông thường”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Trong khi đó, lãnh đạo một nhà mạng chia sẻ: “Cần phải làm rõ, công khai việc ngân hàng mua giá bao nhiêu, bán giá bao nhiêu, chứ không thể đổ hết cho nhà mạng được. Nhà mạng có thể chỉ giảm giá trong trường hợp ngân hàng miễn phí 100% tin nhắn cho khách hàng, xem dịch vụ như một tiện ích tăng thêm, còn nếu họ vẫn kinh doanh, kiếm lợi, thì rất khó có tiếng nói chung”.
Động thái mới từ việc nhà băng tăng giá SMS được các chuyên gia viễn thông cho là không chỉ gây sức ép đòi nhà mạng giảm giá, mà còn nhằm hướng khách hàng chuyển sang dùng các app, ứng dụng khác của ngân hàng. Điều này sẽ khiến doanh thu của các nhà mạng sụt giảm lớn.
Tuy nhiên, các nhà mạng cho hay, xu hướng giảm dùng SMS là tất yếu. Nhưng mức giá mà nhà mạng bán gói cho ngân hàng cũng đã tiệm cận giá thành, nên không thể giảm. Nhà mạng kinh doanh bán dịch vụ, ngân hàng mua lại cũng để kinh doanh thu tiền từ khách hàng, nên khó tìm được tiếng nói chung. Bởi vậy, cuộc cò cưa đấu tranh giảm giá cước giữa nhà mạng và nhà băng vẫn chưa có hồi kết.