Thời sự
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chưa xem xét việc tăng giá điện
Anh Minh - 04/06/2017 17:29
Lãnh đạo ngành Công Thương khẳng định việc tăng giá điện sẽ được đánh giá, cân nhắc toàn diện tới mọi đối tượng chịu tác động.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc tăng giá điện sẽ được nhà chức trách tính toán cẩn trọng. Ảnh: Vinh An

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, trả lời câu hỏi liên quan tới phương án điều chỉnh giá điện sắp tới, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, hiện chưa xem xét việc tăng giá điện hay không. 

Ông cho hay, cùng với xăng dầu, điện là mặt hàng quan trọng và là đầu vào sản xuất của nhiều mặt hàng. Do đó, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của người tiêu dùng

"Bất cứ sự thay đổi nào, đặc biệt tăng giá điện sẽ được nhà chức trách xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng", ông nói. 

Ông Hải cho biết, trường hợp nếu EVN đề xuất tăng giá điện thì Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành khác liên quan xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng; cũng như đánh giá xem việc tăng giá mặt hàng này sẽ tác động tới các mặt hàng khác ra sao, ảnh hưởng thế nào tới GDP, CPI...

Trường hợp đề xuất tăng vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương thì sẽ phải trình xin ý kiến Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong Chỉ thị 24 được Thủ tướng ký ban hành ngày 1/6 đã yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh phương án điều chỉnh giá điện năm 2017, báo cáo trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Đây là một trong những yêu cầu lãnh đạo Chính phủ đưa ra với ngành Công Thương, nằm trong loạt giải pháp cần thực hiện ngay để thúc đẩy, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. 

Thông tin tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cho hay, phiên họp thường kỳ tháng 5 diễn ra ngay sau khi Thủ tướng kết thúc chuyến thăm Mỹ. Tình hình kinh tế xã hội đã đi được nửa chặng đường năm 2017, vấn đề nổi lên thời gian qua là GDP thấp hơn cùng kỳ. Chính phủ điều hành quyết liệt để đạt mục tiêu tăng GDP 6,7%. Đây là nhiệm vụ quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ tại phiên họp này. 

“Các ngành coi việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị, chứ không phải quản lý vĩ mô mà thoát ly thực tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Tin liên quan
Tin khác