Thời sự
Bộ Công thương được giao tính thời điểm điều chỉnh giá điện
Thanh Hương - 11/01/2017 08:56
Bộ Công thương đã được giao nhiệm vụ tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ để chỉ đạo quyết định.

Đây là một trong các kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây.

 

Bộ Công thương đang phối hợp cùng Bộ Tài chính tiến hành xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với một số các thay đổi.

Cụ thể là, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định tại Quyết định 69/2013/QĐ-TTg với 4 trường hợp:

- Nếu giá bán điện được tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

- Nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

- Nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình thực tế kinh tế - xã hội thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.

- Nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ Công thương sẽ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư; đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ để chỉ đạo quyết định.

Lần điều chỉnh giá điện gần nhất là cách đây gần 2 năm, vào ngày 16/3/2015 - với mức giá bán lẻ bình quân được quyết định là 1.622,01 đồng/kWh, tăng thêm 7,5% so với thời điểm trước đó.

Tuy nhiên, mức giá điện được điều chỉnh vào tháng 3/2015 cũng đã đứng im kể từ lần tăng liền kề trước đó là tháng 8/2013.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã cho hay, Tập đoàn sẽ gặp một số khó khăn thách thức trong năm 2017, như đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt sau khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau vào vận hành sẽ giảm khí cho phát điện tương đương 600 triệu kWh; nguồn điện chạy dầu dự kiến phải huy động tới gần 2,2 tỷ kWh sẽ ảnh hưởng đến tài chính của EVN; một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện hay việc giá than trong nước chính thức tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016, sẽ khiến chi phí sản xuất điện của năm 2017 tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng.

 

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, sau khi rà soát, thực hiện tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động tại các đơn vị, năm 2017, Công ty Mẹ - EVN có thể phấn đấu đạt được mức có lợi nhuận một chút trong năm 2017.

Tuy nhiên với việc giá than tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng như tính toán và không cưỡng được thì mọi việc đã trở nên khó khăn hơn.

“EVN có thể phải xin Chính phủ cho thực hiện phương án chậm thanh toán tiền mua than để xử lý vấn đề tài chính khi chi phí bị đội lên lớn trong khi đầu ra vẫn chưa có thay đổi”, ông Tri nói. 

Tin liên quan
Tin khác