Loạt mục tiêu lớn trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán: 5% dân số có tài khoản, nâng hạng thị trường trước năm 2025, lọt top 4 thị trường ASEAN
Tại buổi Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" tổ chức sáng 18/11, lần đầu tiên những nội dung về dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đã được ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ. Đây là cơ sở định hướng tương lai của thị trường phát triển trong tương lai 5 -10 năm tới.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính . |
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính cùng các bộ ngành báo cáo với Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Quan điểm phát triển thị trường đồng bộ thống nhất trong phát triển thị trường tài chính gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, liên kết thị trường thế giới, phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ, yêu cầu về chuyển đổi số. Đồng thời, vai trò quản lý giám sát thị trường cũng được nhấn mạnh, bảo vệ lợi ích chủ thể tham gia, thị trường minh bạch phát triển bền vững, nhà nước quản lý bằng hệ thống pháp luật.
Mục tiêu đề ra là thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.
Quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước. ngoài nước phát triển theo chiều sâu.
Thời gian tới, tổ chức thị trường hiệu quả theo hướng cơ cấu lại mô hình công ty mẹ - con; tổ chức lại trung tâm lưu ký chứng khoán theo mô hình tổng công ty, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán.
Thị trường chứng khoán 10 năm tới cũng hướng đến viêc nâng cao tính cạnh tranh, năng lực tài chính của thành viên (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…), thành lập và đưa vào tổ chức thực hiện dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao vai trò hiệp hội trong lĩnh vực chứng khoán.
Năng lực xử lý giám sát cũng là một nội dung được đề cập sâu trong Chiến lược phát triển này. Theo Thứ trưởng Nguyên Đức Chi, thị trường sẽ cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành giám sát các vi phạm, đảm bảo các trưởng hợp vi phạm được phát hiện kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thành viên thị trường.
Một mục tiêu lớn đề ra cho thị trường chứng khoán là hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và MSCI. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực Asean.
"Thị trường có nhiều thuận lợi nhưng cũng cần biện pháp phòng chống rủi ro để phát triển bền vững"
Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu phản ánh bối cảnh vĩ mô. Bối cảnh Covid tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống nhưng với các giải pháp của Chính phủ và các bộ ngành, cân đối vĩ mô vẫn ổn định như thu ngân sách nhà nước, mục tiêu lạm phát hay GDP.
Sau khi Chính phủ chuyển sang trạng thái kinh tế mới, sản xuất kinh doanh có sự phục hồi nhanh, đời sống kinh tế xã hội dần trở lại. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu, đang ghi nhận sự phấn khích của thị trường trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chúng ta cũng không quá lạc quan, cần quan tâm nghiên cứu các rủi ro.
Sẽ có một gói kích thích kinh tế với quy mô thích hợp gắn với cơ cấu kinh tế trong thời gian ngắn nữa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế này cũng đòi hỏi chính sách tài khóa và tiền tệ đi kèm. Sẽ có cả những rủi ro nếu không có sự tính toán điều hành phù hợp. Rủi ro thứ hai theo vị Thứ trưởng này còn đến từ giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải tăng ở mức độ rất nhanh. Rủi ro thứ ba là thị trường lao động sau đại dịch có sự xáo trộn.
Cùng đó, bản thân nội tại thị trường chứng khoán cũng có rủi ro cần tính đến trong giai đoạn sự hưng phấn của thị trường lên cao với giao dịch tăng mạnh. Sự tăng trưởng nhanh của hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới gia nhập cũng cần có suy nghĩ về rủi ro.
Tăng trưởng thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng có thể nhìn thấy rủi ro hiện hữu nếu không có giải pháp đúng đắn. Bên cạnh khu vực có tín hiệu nên cần giải pháp.
“Bản thân chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng cần biện pháp phòng chống rủi ro để thị trường ổn định phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đề cập đến giải pháp phát triển thị trường bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh yếu tố ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, các chủ thế yếu kém rủi ro cần chủ động giải pháp đê đảm bảo cân đối vĩ mô bền vững.
Chính sách tài khóa hỗ trợ cho các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau địa dịch như miễn giảm giãn thuế phí, bao gồm phí của thị trường chứng khoán và doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được thực hiện năm 2022. Ngoài ra, nhiều giải pháp khác cũng cần được tập trung như tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường sự quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường.