Nhắc đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở mức lịch sử đang làm hàng triệu dân miền Tây điêu đứng, nguy cơ thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho hay, gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ ngoài lãnh thổ, nhưng hiện chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng.
Đó chỉ là một trong số các thách thức lớn đối với nguồn tài nguyên nước mà chúng ta đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc nguồn nước có hạn, nhưng nguy cơ suy thoái, cạn kiệt lại đang có chiều hướng gia tăng do nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống người dân nâng cao. Thực tế là, Việt Nam dù có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích lưu vực sông lớn nhưng Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000m3/năm, khi lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3.
Hay việc khai thác nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm, suy thoái gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và hành vi; Lũ lụt, hán hán, nước biển dâng, các tác động khác của biến đổi khí hậu cũng đang tác động từng ngày tới nguồn tài nguyên nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo "Đổi mới công nghệ gắn với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả" ngày 18/3 |
"Việt Nam luôn khẳng định, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, kaf thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn các thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý và bảo vệ hiệu quả nguồn nước. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để triển khai có hiệu quả, để đưa chính sách về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của Đảng, Nhà nước có hiệu quả trên thực tế", Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, trước đây, tài nguyên nước được quản lý theo hướng tiếp cận đơn ngành, nghĩa là được quản lý theo từng ngành dọc, theo các đơn vị sử dụng nước đơn lẻ, không có sự chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các ngành.
Sự ra đời của Luật Tài nguyên nước 1998 đã mở ra hướng tiếp cận mới cho hoạt động quản lý tài nguyên nước và khi Bộ Tài Nguyên và Môi trường được thành lập (năm 2002), hàng loạt văn bản dưới luật ra đời đã định hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thúc đẩy thay đổi thể chế, chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) năm 2012, có hiệu lực năm 2013 đã cập nhật, bổ sung nhiều nội dung, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh mới.
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước phát biểu tại Hội thảo |
"Hoạt động quản lý tài nguyên nước còn nhiều tồn tại trong thực tế và thách thức trong tương lai cần được nhìn nhận đầy đủ, từ đó có những thay đổi về tổ chức, hoàn thiện thể chế, xác định chiến lược phù hợp để phát triển tài nguyên nước. Quản lý tài nguyên nước phải phối hợp với các lĩnh vực liên quan như quản lý đất, rừng và các tài nguyên khác, tối đa hóa lợi ích sử dụng và hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng. Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước cần được nâng cao hơn nữa, cộng đồng cần có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của mình", ông Thuần chia sẻ.
Ở góc độ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sử dụng và quản lý nguồn nước, ông Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhu cầu tìm kiếm giải pháp công nghệ nhằm mục tiêu tiết kiệm và tái sử dụng nước đang ngày càng cấp bách. Ông Mơ lấy ví dụ, tại các tỉnh Tây Nguyên, để tưới nước cho 01 ha cà phê thì phải tốn khoảng 5 triệu đồng/ năm, gây nhiều áp lực lên giá thành sản phẩm. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm khối lượng nước tưới bằng việc áp dụng công nghệ vi tưới đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mà hiệu quả vẫn đạt được như phương pháp thông thường.
"Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đang phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển. Các công nghệ đang được phổ biến hiện nay gồm: Công nghệ xử lý nước thải; công nghệ oxy hóa nâng cao; công nghệ màng; công nghệ hấp thụ; công nghệ trao đổi ion; công nghệ xử lý điện hóa; công nghệ sinh học; công nghệ xử lý nước uống; công nghệ lọc nước biển; công nghệ thủy lợi thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ vi tưới…", ông Mơ thông tin và cho biết, hện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với nhiều hợp phần liên quan đến sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ TN&MT lập danh mục các sản phẩm được miễn, giảm thuế nhập khẩu cho sản thiết bị công nghệ tiên tiến.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước để tiết kiệm nước và gia tăng hiệu quả sử dụng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, chủ trương của Bộ là khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu đưa công nghệ mới tiết kiệm nước chưa được sản xuất trong nước vào ứng dụng tại Việt Nam.