Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông |
Theo thứ trưởng, cách đây 3-4 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt vấn đề Quốc gia khởi nghiệp nhưng lúc đó khi nói về startup vẫn còn mới lạ, phải loay hoay làm mô hình và chứng minh nếu làm tốt thì thế nào.
Thứ trưởng khẳng định, khởi nghiệp sáng tạo là bước đi cần thiết của đất nước. Nó không phải là trào lưu, không phải là ngôn ngữ mang tính thời thượng, nói cho đẹp, cho vui, hay thể hiện rằng Việt Nam vẫn theo kịp thời đại.
Công cuộc Quốc gia khởi nghiệp không chỉ có sự hô hào của cơ quan nhà nước, lãnh đạo Chính phủ là đủ mà là nhận thức của xã hội.
“Xã hội nhận thấy thì họ sẽ làm. Chúng ta không thể cầm tay chỉ việc, dẫn dắt nhưng phải định hướng và chỉ ra đâu là thành công, nguy cơ thất bại”, ông Đông nói.
Chính vì thế, ông cho rằng, cần có những chương trình tuyên truyền đúng và trúng. Theo ông cần phải hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp, chứ không phải dùng nói hằng ngày mà không biết cụ thể là gì.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, tỷ lệ thất bại trong khởi nghiệp sáng tạo trên 90%, thậm chí 99% nhưng chỉ cần 1% thành công cũng mang lại giá trị khổng lồ và làm thay đổi cả cục diện. Gần đây người ta hay nhắc đến công nghệ đột phá, thay đổi hoàn toàn cuộc chơi như Facebook thay đổi cuộc chơi về truyền thông, Uber thay đổi cuộc chơi về công nghệ giao thông vận tải…
Theo Thứ trưởng, từ 2-3 năm nay khi đi sâu tìm hiểu, ông phát hiện rất nhiều trí tuệ ưu việt của người Việt: “Chúng ta có những công nghệ hàng đầu thế giới, câu chuyện thành công, những tấm gương đổi mới sáng tạo các cấp độ đơn giản như anh nông dân ở Hải Dương làm máy gieo hạt chính xác từng centimet đã xuất khẩu sang nước ngoài, cho đến sản phẩm công nghệ cao đã và đang xuất hiện. Chúng ta phải tuyên truyền nhiều để dân thấy cái chữ, cái học, sự miệt mài say mê đổi mới sáng tạo sẽ mang lại đổi mới cho bản thân, cho đất nước”.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, với doanh nghiệp khởi nghiệp, với sản phẩm đổi mới sáng tạo thì tiền ban đầu cũng chỉ một phần, tiền xã hội sẽ đổ vào cho họ nhưng quan trọng nhất là đầu ra của sản phẩm đấy.
"Đầu ra của bất cứ sản phẩm trí tuệ nào trước hết cũng cần thị trường. Trong đó thị trường mua sắm của Chính phủ luôn luôn lớn nhất. Theo nguyên lý bình thường, chúng ta tiêu tiền của người đóng thuế, của dân, doanh nghiệp thì chúng ta phải mua sắm một cách khôn ngoan nhất, nghĩa là mua hàng tốt nhất, rẻ nhất”, Thứ trưởng Đông nói.
Ông đề xuất: “Chúng ta hãy tìm sản phẩm, công nghệ tốt nhất, rẻ nhất, Nhà nước phải mua, lựa chọn theo cách đấy chứ không phải như hiện nay đấu thầu tràn lan, ông nào chạy nhiều, khỏe thì thắng. Nhà nước có vai trò quan trọng trong Hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính dẫn dắt, định hướng. Còn việc thực hiện đổi mới sáng tạo là người dân”.
Ông khẳng định, việc Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, đây là cái đích cần thiết, không phải quá ảo tưởng và có thể thực hiện được. Hiện nay, theo con số thống kê đã có xấp xỉ 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu phấn đấu được 1 triệu doanh nghiệp/93 triệu dân thì có nghĩa là 93 người mới có doanh nghiệp.
"Con số này xa với chuẩn quốc tế. Ở các nước phát triển cứ 9-12 công dân là có 1 doanh nghiệp, các nước cỡ trung bình từ 20- 30 người là có 1 doanh nghiệp. Còn chúng ta, đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Đó là cái đích phấn đấu nếu chúng ta tuyên truyền phổ biến ý nghĩa của khởi nghiệp, để xã hội hiểu được ý nghĩa của khởi nghiệp thì từ 1 triệu, chúng ta sẽ tiến dần lên 3 triệu, 5 triệu doanh nghiệp là khả thi. Và đó là nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, bước lên nấc thang mới", Thứ trưởng chia sẻ.
Theo thống kê, quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Trước đó, trong năm 2016, Việt Nam ghi nhận con số kỷ lục khi có tới 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm.
Đây chính là kết quả của tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ mà Chính phủ khởi xướng từ đầu năm 2016. Từ đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp; riêng trong năm 2017, dự kiến cả nước sẽ tiếp tục có trên 100.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.