Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Thưa ông, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp ở đâu trong nhiệm kỳ này?
Đại hội XIII xác định mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời xác định 3 định hướng chủ đạo: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
Chúng ta đã có những mô hình nông nghiệp hiệu quả. Vấn đề là làm sao để lan tỏa rộng hơn và có chính sách đồng bộ hơn, từ đó, kích hoạt nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ.
Nền nông nghiệp không chỉ được coi trọng ở quá trình sản xuất, mà cần phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì, thương mại điện tử. Qua đó, với từng sản phẩm, chúng ta sẽ chia ra từng phân khúc khác nhau để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường, từng hiệp định thương mại mà chúng ta tham gia.
Vấn đề cốt lõi là chúng ta phải phát huy những thành tựu của 5 năm qua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những điểm nhấn, những cú hích mới, bằng những tư duy mới để cùng nhau theo đuổi mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng đột biến.
Sau thành công của Đại hội XIII, Việt Nam định hướng phát triển lĩnh vực “tam nông” thế nào để khắc phục điểm yếu sản xuất nhỏ lẻ?
Để khắc phục điều này, Đại hội XIII đã đưa ra giải pháp tăng cường nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác.
Chúng ta đã định vị vai trò của hợp tác xã ở một vị trí cao hơn trong tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp. Bởi chính hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ, cầu nối giữa người sản xuất nhỏ lẻ với thị trường thông qua doanh nghiệp.
Nhà nước không nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ cá thể, mà hỗ trợ thông qua các hợp tác xã, như vậy mới kích hoạt được chuỗi hợp tác của nông dân với nhau. Từ đó, tạo ra mối liên kết chặt chẽ như kiềng ba chân gồm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Muốn thế, chúng ta cần xác định lại thị trường, bởi thị trường sẽ quyết định sản xuất từ quy mô đến chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là những vấn đề đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII.
Các tập đoàn tư nhân lớn đã tham gia sâu vào sản xuất nông nghiệp. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Việc các tập đoàn ngoài ngành rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là tín hiệu rất đáng vui mừng, bởi điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp. Dù nông nghiệp không phải lĩnh vực có thể sinh lợi ngay và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng doanh nghiệp vẫn trở lại đầu tư, không phải chỉ để làm giàu cho chính mình, mà còn muốn tạo ra “cú hích” cho sự thay đổi ngành nông nghiệp.
Với nhận thức đó, các doanh nghiệp từ chỗ tự ti trở nên tự tin, tạo được thế đứng trên thị trường, đưa nông sản Việt vươn ra 200 nước trên thế giới. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, vì cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, mà người dẫn dắt trong kinh doanh chính là doanh nghiệp.
Bất kể trong môi trường tự nhiên hay xã hội, đều có những đại bàng và bầy chim sẻ theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Chúng ta muốn có nhiều đại bàng để dẫn dắt và cũng cần đàn chim sẻ khổng lồ. Đó là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đầu tư ở các địa phương. Đó là những bạn trẻ trở về từ các đô thị, hấp thu được hàm lượng tri thức để khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại điện tử.
Tôi nghĩ những điều này sẽ tác động có tính lan tỏa ở cộng đồng không kém gì những đại bàng, những doanh nghiệp lớn. Điều quan trọng là phải hợp lực họ lại để tạo ra sức mạnh.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030 của nông nghiệp Việt Nam, theo ông, chúng ta có thể tham khảo mô hình thành công nào trên thế giới?
Chúng ta vẫn đang chắt lọc những giá trị phát triển nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, gần hơn là Thái Lan và Malaysia. Nhưng, chúng ta phải tìm được từ khóa, những giá trị riêng về điều kiện lịch sử, nền văn hóa...
Con đường chung cho sản xuất nông nghiệp là phải tạo thành chuỗi giá trị. Chúng ta phải kích hoạt đầu ra, tạo ra được thị trường ổn định. Khi đầu ra đã được kích hoạt, thông suốt thì đầu vào, tức là đầu sản xuất, sẽ tự động điều chỉnh theo, sẽ co giãn theo thị trường.
Lúc đó, Việt Nam không chỉ trở thành một nước xuất khẩu nông sản tươi tốp đầu thế giới, mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp từ nông sản. Và người nông dân sẽ dần tri thức hóa. Đó mới là hình ảnh nền nông nghiệp của Việt Nam trong tương lai.
Vậy những nông dân hiện đại, có tri thức sẽ tác động thế nào tới tiến trình phát triển nông nghiệp, thưa ông?
Nông dân luôn là người đầu tiên xuất phát trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Sự thay đổi của nông dân sẽ tác động trực tiếp tới kết quả của mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, “muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những nông dân thông minh”.
Để nông dân trở nên chuyên nghiệp, thông minh, phải có những quyết sách, đề án cụ thể để chuyển đổi tư duy, nhận thức của họ. Bởi nếu không thay đổi nhận thức, bà con vẫn sản xuất theo tập quán, quán tính, đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua, thì vẫn là một nền nông nghiệp bấp bênh.
Còn khi nông dân hợp tác với nhau, họ sẽ biết mình phải tự thay đổi trước và hợp tác chặt với nhau. Họ sẽ biết kiến thức cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường, biết canh tác bền vững để hết đời ông cha mình, đến đời con cháu mình, đất đai không bị bạc màu do chịu quá nhiều chất kích thích, chất tăng trưởng, chất tăng trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng cơ quan có liên quan dần dần đi theo mô hình ở nước ngoài là những người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép. Chúng ta phải tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Giống như ở những quốc gia tiên tiến, nông nghiệp được xem là một nghề và được cấp chứng chỉ ngành nghề hẳn hoi, chứ không phải là không biết làm gì thì ra làm ruộng.