Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị. |
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 503/TTg – CN gửi các bộ: GTVT, Tài nguyên và môi trường và UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long về việc đảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ: GTVT Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án; nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.
Vào đầu tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có văn bản số 2812/BGTVT – CQLXD báo cáo Thủ tướng về
việc xử lý thông tin báo nêu liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể, Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông đang được Bộ GTVT triển khai thực hiện với 11 dự án thành phần, tổng chiều dài 654 km, đi qua địa bàn 13 tỉnh. Nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án với khối lượng rất lớn, cụ thể: khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.
Trước đó, trong quá trình lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã tiến hành khảo sát, đề xuất sử dụng các mỏ vật liệu theo đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã mời thầu, yêu cầu các nhà thầu, nhà đầu tư chủ động khảo sát các mỏ vật liệu, xác định nguồn cung cấp cho từng gói thầu, dự án mình quan tâm để xác định giá vật liệu và chào giá trong đơn giá dự thầu.
Để đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã báo cáo và tham mưu để Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo cung cấp vật liệu phục vụ cho dự án.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1488/BTNMT-ĐCKS ngày 29/3/2019 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác đối với các mỏ xin cấp phép mới và gia hạn giấy phép khai thác, đầu tư nâng công suất khai thác các mỏ hết hạn khai thác.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án, một số nhà thầu sau khi trúng thầu và triển khai thi công có phản ánh với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo nhu cầu của Dự án.
Lý do được nêu ra là các mỏ đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác của địa phương đang triển khai xây dựng dẫn đến các nhà thầu tranh mua mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành và công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp so với tiến độ yêu cầu; một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép; một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, một số mỏ do tư nhân đang khai thác chưa sẵn sàng ký kết hợp đồng để chờ giá lên cao…
Theo Bộ GTVT, trên thực tế nguồn vật liệu cung cấp cho dự án không thiếu về trữ lượng, một số khó khăn vừa qua do nhu cầu vật liệu tăng cao đột biến để phục vụ xây dựng dự án, thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo quy định cần nhiều thời gian (mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương rút ngắn thời gian và thủ tục tại văn bản nêu trên), công tác quản lý nhà nước về giá gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu, lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với Lãnh đạo các tỉnh và các sở ngành liên quan của địa phương (Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính…).
Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh có Dự án đi qua đề nghị các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được (do chưa giải phóng mặt bằng mỏ, chưa có đường tiếp cận,...), cấp phép khai thác (các mỏ đã có trong quy hoạch), nâng công suất khai thác mỏ (các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ), gia hạn giấy phép mỏ (các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng) để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc- Nam trên địa bàn.
Bộ GTVT cũng đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Bộ GTVT còn chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu khác ngoài các mỏ đã nêu trong hồ sơ dự án, nếu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, trữ lượng khai thác, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chấp thuận nguồn vật liệu để nhà thầu sớm tổ chức khai thác (hoặc ký kết hợp đồng cung cấp); yêu cầu các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ đề nghị đầu tư nâng công suất khai thác với các mỏ có công suất khai thác không đáp ứng yêu cầu nhưng có đủ điều kiện; làm việc với các địa phương thống nhất và cam kết việc sử dụng đường địa phương làm đường công vụ phục vụ thi công…
“Các nhà thầu cũng được yêu cầu tận dụng tối đa đất đá sau khi đào ra có kích cỡ không đáp ứng yêu cầu để làm vật liệu đắp nền bằng phương pháp xay nghiền, phối trộn, thí nghiệm và thi công thử trước khi áp dụng đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trên nguyên tắc không làm phát sinh chi phí xây dựng”, Bộ GTVT cho biết.