Điểm nóng
Thủ tướng: Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính
PV - 17/02/2021 21:17
Thủ tướng đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính.

Chùa Quán Sứ, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng cửa phòng tránh COVID-19. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi.”

Thủ tướng đề nghị, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết.

Các bộ, cơ quan chuẩn bị tốt các cuộc họp, các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác.

Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, các địa phương trọng điểm như tỉnh Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế-xã hội của đất nước để kịp thời tham mưu cho Thủ tướng cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ về các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.

Tiếp tục tham mưu các giải pháp để chỉ đạo điều hành thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trở lại nhịp điệu bình thường trong bối cảnh có COVID-19.

Tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền động viên người dân, doanh nghiệp ra quân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng chú ý phòng chống dịch.

Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; trong đó, có một số việc như phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nước tưới ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo công tác tuyển quân, chỉ đạo thực hiện Tết trồng cây, triển khai chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh mà hiện nay nhiều địa phương đang phát động.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc vận động người dân cài đặt phần mềm Bluezone, thực hiện Thông điệp 5K của ngành y tế, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ở các khu vực như trường học, khu chợ, siêu thị, bệnh viện…

Các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở có đông người, đều phải có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung chỉ đạo, xử lý 5 cân đối lớn trong phát triển đất nước, trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, kế hoạch 5 năm.

Trước hết, đó là cân đối giữa việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cân đối giữa đổi mới, ổn định và phát triển, giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa nhà nước, thị trường và xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giữa tiến bộ xã hội với bảo vệ môi trường, giữa tính độc lập và hội nhập.

Thứ hai là cân đối giữa phát triển kinh tế nhanh với việc bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, trong đó có vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc, “ví dụ như trong phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa.”

“Phải phát triển cân bằng, hài hòa, bao trùm không ai bỏ lại phía sau, không để địa phương nào bị tụt lại, đánh mất cơ hội phát triển,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, cân đối giữa nội lực và ngoại lực, giữa kinh tế trong nước với kinh tế nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế khu vực cũng như toàn cầu.

Thứ tư là cân đối giữa ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. “Chúng ta không được chủ quan, tránh chạy theo mục tiêu ngắn hạn thiếu tính bền vững, bỏ mục tiêu dài hạn, có tính xuyên suốt.”

Thủ tướng lưu ý, đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan giữ vững, kiên định niềm tin vào lý tưởng và những nguyên tắc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm là cân đối nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân thanh toán quốc tế và nhiều cân đối vĩ mô khác. “Bây giờ chúng ta đang có một hệ thống chỉ tiêu vĩ mô tốt nhưng phải bảo đảm ngày càng vững chắc hơn, thậm chí năm sau phải tốt hơn năm trước,” Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chuẩn bị một Chỉ thị của Thủ tướng về các nhiệm vụ sau Tết để các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt hơn ngay từ ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi.” Tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, trong dịp Tết với bối cảnh bình thường mới, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai để phòng, chống dịch COVID-19, nhân dân cả nước đã đón Tết trong không khí sum vầy, vui tươi, an toàn...

Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, cung ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm, phục vụ nhân dân trong dịp Tết, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiền lương, tiền thưởng cho người lao động cơ bản được bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán năm 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ Tết năm 2020.

Tính đến ngày 19 giờ ngày 16/2/2021, các địa phương đã chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với số tiền gần 5.558 tỷ đồng.

Thực hiện chuyển quà kịp thời của Chủ tịch nước nhân dịp Tết cho 1,733 triệu đối tượng có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 538 tỷ đồng.

Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách người có công nhân dịp Tết Nguyên đán với mức quà bình quân dao động từ 500.000-1.000.000 đồng/suất, nhiều địa phương có mức quà cao như Thành phố Hồ Chí Minh 6,5 triệu đồng/suất; Quảng Ninh 4 triệu đồng/suất.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019; khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên cả nước trong 7 ngày nghỉ Tết ổn định, không có diễn biến bất thường, không xảy ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.

Công tác đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo đạt hiệu quả cao trong dịp Tết, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý 1.868 vụ, 2.003 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 27,1% số vụ, 30,3% số đối tượng).

Tính đến 7 giờ sáng 16/2/2021, sau 6 ngày nghỉ Tết đã có 29.650 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 2,8% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 10,4% trong tổng số khám, cấp cứu chung./.

 
Tin liên quan
Tin khác