Thời sự
Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc học môn Lịch sử
D.Ngân - 02/06/2022 17:50
Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đó, xét báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT.

Thủ tướng đề nghị đánh giá, đề xuất phương án phù hợp dạy sử trong chương trình THPT.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cũng cần làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.

Vừa qua, dư luận tranh luận nhiều chiều về việc môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT bắt đầu từ năm học 2022-2023. 

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia đề nghị đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.

Được biết, theo Bộ Giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm 2 giai đoạn gồm giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. 

Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc.

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); 

Ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. 

Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, cách sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi có các ý kiến về việc môn Lịch sử là môn bắt buộc hay tự chọn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt các chuyên gia đã có ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Tin liên quan
Tin khác