Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước khi trực tiếp trả lời chất vấn. Ảnh: Duy Linh |
Báo cáo Quốc hội chiều 12/11 trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cập nhật tình hình kinh tế, xã hội 10 tháng năm 2024.
Theo đó, trong tháng 10, kinh tế, xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ (tính đến hôm nay có thể hoàn thành 100%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, để cả năm đạt trên 7% (mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP: GDP quý IV tăng 6,5-7%, cả năm tăng 6-6,5%), Thủ tướng nêu. Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng, như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm qua các phiên thảo luận là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Con số cụ thể được Thủ tướng cập nhật là 10 tháng năm 2024 giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò của người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Trong đó, "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.
"5 bảo đảm" gồm: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 6 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung.
Một, đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong Kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập , thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…
Hai, có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Ba, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Bốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Năm, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”, xử lý nghiêm các vi phạm.
Giải pháp thứ sáu là nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tại các địa phương…, mà có vốn giải ngân thấp.
Tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nói, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…
Có nguyên nhân do một số quy định pháp lý, hiện tượng buông lỏng quản lý, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài; nhận thức và văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, toàn diện; việc lãnh đạo chỉ đạo chưa được quan tâm thực hiện đúng tầm, đúng mức…
Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật , tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên.
Theo báo cáo, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện quyết liệt tinh thần trên; qua đó đã dành được nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Như dành nguồn tiết kiệm chi năm 2024 để thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, dự kiến tiết kiệm chi thường xuyên và cả chi đầu tư năm 2025 để bố trí và khởi công đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối với Trung Quốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025; qua đó, góp phần tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước vẫn còn cao, năm 2024 là khoảng 55,8%, năm 2025 dự kiến khoảng 61%, do đó trong điều hành vẫn còn dư địa để tiếp tục tiết kiệm, cắt giảm để giảm tỷ trọng này theo đúng định hướng Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm quốc gia đã được Trung ương, Quốc hội thông qua, Thủ tướng báo cáo Quốc hội.