Thủ tướng chỉ đạo ngành dệt may tăng đầu tư các dự án nguyên liệu, chủ động trong chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các FTA. (Ảnh: VGP) |
Chiều 23/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với ngành dệt may, da giày Việt Nam để giải quyết một số kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành có giảm nhưng so với nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may khác, mức giảm không nhiều do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhờ đó đã tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu, duy trì đơn hàng tương đối ổn định.
Dự báo, cả năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 600 tỷ USD. Sau 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 25,6 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm này thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Với tình hình hiện tại, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5-34 tỷ USD.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, ngành dệt may, da giày có vai trò quan trọng, sử dụng số lượng lao động rất lớn, đến 4,3 triệu người. Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia, năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thủ tướng chia sẻ, biểu dương sự cố gắng lớn lao của cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành dệt may, da giày đã đóng góp trước hết vào sự ổn định xã hội, không để lao động thất nghiệp, giảm nhiều thu nhập.
Lưu ý một số mặt hạn chế như việc tận dụng cơ hội xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) còn thấp, tận dụng thời gian đơn hàng không nhiều để tái cơ cấu doanh nghiệp, đào tạo lại nhân sự trong trạng thái bình thường mới, cải thiện sức cạnh tranh, Thủ tướng cho rằng, ngành dệt may cần chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhất là đồng phục công sở, đồng phục học sinh, sinh viên.
“Chúng ta chưa làm tương xứng với thị trường này, chưa tạo thành một cực cân bằng với xuất khẩu để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn”, Thủ tướng nêu đồng thời chỉ rõ, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, “nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển”.
Cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.
Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các dự án nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn nữa trong chuỗi cung ứng, theo đó cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp dệt may, nhuộm, đảm bảo thực hiện nghiêm, minh bạch các quy định về môi trường. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan xem xét triển khai quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 500ha, cùng với trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh thỏa thuận với một số nước để áp dụng quy tắc cộng gộp xuất xứ vải trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hoạt động cho doanh nghiệp...