Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong 5 tháng đầu năm 2019 có nhiều khởi sắc.
Tổng thu ngân sách ước đạt gần 3.240 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ. Du lịch dịch vụ tăng 6,37%. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 6,8% so cùng kỳ; Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.930 tỷ đồng, tăng 1,7%.
Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đón nhận 2 tin vui đó là Dự án Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải thưởng Viễn thông Châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á và phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được tỉnh phát động trong thời gian ngắn đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp và thu hút sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức chính trị, xã hội góp phần làm cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh - sạch - sáng được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết, cùng với việc tập trung các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra thì trong những tháng còn lại của năm 2019, tỉnh sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, dự án lớn trên địa bàn, cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành cũng như của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến dự án di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nỗ lực để triển khai các công việc liên quan đến giải phóng, di dời với tinh thần quyết liệt cao, dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời các hộ thuộc khu vực Thượng Thành trong tháng 10/2019 (523 hộ).
Tuy nhiên, với quy mô kinh phí chi trả cho người dân lên đến 1.880 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2021là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Đến nay, Chính phủ đã bố trí 100 tỷ đồng, ngân sách địa phương chủ yếu tập trung cho việc xây dựng khu tái định cư, vì vậy sẽ rất khó khăn trong triển khai thực hiện kế hoạch bồi thường trong giai đoạn 2019-2021. Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huếi và tái định cư.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao cách làm việc tích cực, khẩn trương, mạnh mẽ, quyết tâm cao của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Theo đó, nhiều kết quả đạt được đáng để các địa phương khác học tập như mô hình xây dựng đô thị thông minh, phong trào ngày Chủ nhật xanh…
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là một trung tâm trí tuệ của Việt Nam, Thừa Thiên Huế cần đi đầu trong vận dụng vốn tri thức phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Về dự án di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý theo chủ trương và đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời nhấn mạnh, đây là cuộc di dân mang tính lịch sử, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiệm vụ này.
Định hướng cho Thừa Thiên Huế thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần rà soát quy hoạch thành phố Huế đáp ứng với yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, hiền hòa, lấy sông Hương, núi Ngự làm điểm nhấn. Cần huy động tốt mọi nguồn lực cho nhiệm vụ đầu tư các dự án cơ hạ tầng để đẩy nhanh tiến trình phát triển địa phương. Phải hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm KHCN, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của miền Trung và cả nước, là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng.