Tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, trong 63 tỉnh thành, Gia Lai là một địa phương có những thuận lợi lớn, tiềm năng lớn về phát triển kinh tế với nguồn đất đai màu mỡ, phì nhiêu (2/3 đất bazan), phù hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp có năng suất cao. Gia Lai nằm ở trung tâm khu vực “tam giác phát triển” Việt Nam- Lào- Campuchia; là địa phương có nhiều di sản, di tích văn hóa, khu sinh thái…đặc sắc; Gia Lai đang trong quá trình hình thành các KCN, KKT; đặc biệt Gai Lai đã có sự hiện diện của những nhà đầu tư lớn như Hoàng Anh Gia Lai, ĐứcLong Gia Lai, Thành Thành Công…Giao thông hạ tầng được đầu tư đồng bộ hoàn thiện tạo ra sự kết nối các khu vực rất tốt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những mặt tồn tại đang khiến Gia Lai chưa thể phát huy được các thế mạnh, đó là vị trí xa xôi làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; quy mô thương mại còn nhỏ bé, thương hiệu mạnh các sản phẩm chưa có; số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn (khoảng 3.500 doanh nghiêp); sự liên kết khu vực còn nhiều bất cập…
Theo Thủ tướng, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cần phải có sự quy hoạch nguồn nước, có chiến lược xây dựng các hồ chứa nhằm phục vụ cho dân sinh, sản xuất kinh doanh… Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông cho Gia Lai, trong đó có việc đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm QL 19, QL 14, QL 25… mở rộng nâng cấp sân bay. Giao các Bộ, Ban, ngành xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi hơn cho Gia Lai nhằm giảm chi phí đầu vào thấp (thuế, giá đất…) cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với tỉnh. Tiếp tục quan tâm, gìn giữ an ninh chính trị xã hội ổn định để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh sản xuất. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính…đề xuất một số cơ chế đầu ra cho một số sản phẩm nông nghiệp cho Tây Nguyên và Gia Lai (hỗ trợ lãi suất tầm xa, nghiên cứu xây dựng quỹ bão hiểm cho nông nghiệp…). Cho phép xây dựng lễ hội quốc gia (lễ hội cồng chiêng) nhằm thu hút du khách…
“Trên tinh thần Chính phủ quản lý tốt, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động mạnh mẽ phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó có Tây Nguyên và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vùng đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng này mà Gia Lai là một trong trung tâm của khu vực, để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Chính quyền Gia Lai đó là phải xây dựng một quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng các thế mạnh đặc thù và liên kết vùng; coi trọng công nghiệp chế biến, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; gắn phát triển công nghiệp chế biến với việc xây dựng thương hiệu. Chính quyền cần phải phấn đấu thành một chính quyền đối thoại, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp- nhà đầu tư; phải “3 cùng”: Cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ với doanh nghiệp –nhà đầu tư; động viên hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn kinh doanh sản xuất…Đặc biệt là với chính quyền cơ sở, phải hạn chế việc “trên rải thảm, dưới rải đinh”…
Thủ tướng cũng cho rằng, chính quyền tỉnh Gia Lai phải đưa ra một cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển số lượng doanh nghiệp – phấn đấu đến 2020 đạt con số gấp đôi hiện nay – 7.000 doanh nghiệp, và phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… Giữ gìn văn hóa truyền thống, dùng văn hóa để phát triển du lịch, phát triển xã hội. Đi đôi với kinh tế là phải đảm bảo môi trường sống, điều kiện sống tốt cho người dân.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đã cam kết với Thủ tướng, với các nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư hãy đến với Gia Lai, đến để tìm hiểu cơ hội, nghiên cứu đầu tư vào Gia Lai để giúp đỡ Gia Lai ngày càng phát triển.