Có lẽ không chỉ doanh nghiệp, mà người dân đang rất muốn được nghe câu nói này từ những cơ quan quản lý nhà nước, những công chức mà họ gặp hàng ngày. Họ đang quá nóng ruột khi nhiều kiến nghị, đề xuất gửi đến cơ quan nhà nước đang nằm chờ giải quyết.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp dệt may sau vài năm kêu ca trước những bất cập trong quy định của Thông tư số 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may chưa kịp mừng vì Nghị quyết 19/2015/NQ-CP (Nghị quyết 19/2015) yêu cầu Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung, thì đã lại lao vào cuộc tranh luận mới khi Thông tư số 37/2015/TT-BCT (Thông tư 37) thay thế Thông tư 32 được ban hành.
Lý do là về cơ bản, Thông tư 37 không tuân thủ yêu cầu của Nghị quyết 19/2015. Các yêu cầu về việc không gây thêm phiền hà cho doanh nghiệp đã bị bỏ qua.
Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương về nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam đã hết hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng đến giờ, doanh nghiệp trong ngành này vẫn chưa biết cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý theo hướng nào? Còn Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đang khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chóng mặt với chi phí và thời gian in nhãn phụ tiếng Việt cho nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần rằng, quy định này không cần thiết, không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, tạo phiền hà, làm tăng chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp, nhưng các cơ quan nhà nước vẫn chưa có hành động gì mới.
Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng cũng đang đổ thêm chi phí không đáng có lên đầu doanh nghiệp, khi họ phải làm các thủ tục dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng, bất kể không có sự sai khác nào về chủng loại hàng hóa. Thậm chí, với các thiết bị được nhập khẩu từ các hàng tên tuổi hàng đầu thế giới, đã có dãn nhãn năng lượng của các tổ chức quốc tế, việc làm thủ tục công nhận cũng không dễ dàng…
Trên đây chỉ là một số trong vô vàn khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đã có nhiều cuộc làm việc, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng và tất yếu, doanh nghiệp vẫn đang phải vượt qua quá nhiều cửa ải để kinh doanh. Điều đáng nói là, trong rất nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản nhà nước có liên quan, câu nói “chúng tôi đang làm theo đúng quy định” được các công chức đại diện nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đúng như người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra: đó là các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách để quản lý chặt chẽ mọi mặt xã hội, nhưng lại theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, chưa quan tâm đến đối tượng chịu tác động, cũng như ảnh hưởng của chính sách đó trong xã hội. Tư duy kiểu “cái dễ thì dành cho cơ quan nhà nước còn cái khó thì đẩy về phía người dân” thực sự vẫn đang chi phối hoạt động của giới công chức. Rất hiếm khi có câu hỏi từ các công chức rằng, họ sẽ phải đề xuất thay đổi gì, có cách nào khác để quản lý không… trong các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp khó. Cũng hiếm thấy câu hỏi từ các công chức rằng, các quy định hiện tại có phù hợp với nền kinh tế thị trường không, có can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp không…
Chỉ khi chấm dứt tư duy này, thì cam kết của Thủ tướng về một Chính phủ phục vụ, chứ không phải Chính phủ hưởng thụ, Chính phủ liêm chính, trong đó Chính phủ và các cơ quan hành chính phải là "bà đỡ" cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp… mới có thể được hiện thực.
Đi đầu, nhưng chắc chắn, Thủ tướng Chính phủ rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết liệt của cả bộ máy, của từng công chức. Người dân, doanh nghiệp đang tin vào những cam kết thực sự vì dân.