Đầu tư và cuộc sống
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển giáo dục, đào tạo
Hưng Anh - 19/08/2024 15:37
Dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển giáo dục, đào tạo trong thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN

Năm học 2023-2024 nổi bật với nhiều “điểm nhấn”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

10 năm thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Theo đó, công tác tổng kết Nghị quyết 29 được tập trung thực hiện và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024. Trong đó, có một số điểm mới quan trọng như lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng; Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; bảo đảm đủ trường, lớp học giáo dục mầm non, phổ thông, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục ở tất cả cấp học, các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến; phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển.

"Tôi cũng rất khuyến khích việc này, sẽ chỉ đạo các tỉnh tập trung xây dựng các trường bán trú, nội trú. Đây là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước để các em có khả năng tiếp cận bình đẳng với giáo dục", Thủ tướng nói.

Việc đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Khung trình độ quốc gia Việt Nam tiếp tục được triển khai hiệu quả. Đồng thời, tập trung chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới như công nghiệp chip bán dẫn, AI; hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam.

Vấn đề lùi thời gian tăng học phí để cùng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ phục hồi kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên được học tập được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh và hoan nghênh các cơ sở giáo dục.

Còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng nhắc nhở cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế, khó khăn và thách thức.

Cụ thể: Việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập như đã chỉ ra tại Nghị quyết số 686 /NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Đặc biệt là giáo viên thời đại số, thời đại 4.0. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của ngành Giáo dục, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn đọng. 

Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, nhất ​​​​​​là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn,...; nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu.

Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao. Quy mô đào tạo trình độ đại học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp… còn thấp.

Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo còn thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự đồng thuận cao; chưa phát huy được yêu cầu đi trước một bước, đóng vai trò định hướng dư luận.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Ngoài ra, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; cơ chế chính sách cho phát triển giáo dục đào tạo còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện

Thủ tướng cho biết, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chíp bán dẫn, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục.

Chúng ta cũng đứng trước yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0, gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ GD&ĐT cần thực hiện trong thời gian tới. 

Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...); tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III năm 2024.

Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.

Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Bẩy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo do tình hình kinh tế xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.

Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác. Thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.

Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số. 

Tin liên quan
Tin khác