Trưa 25/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 25 đến 28/6/2023 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia chuyến công tác có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: TTXVN) |
Trả lời báo giới trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm lần này có 3 ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và Trung Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn.
Thứ hai, chuyến thăm là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm. Chuyến thăm này sẽ tập trung vào tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc) |
Hội nghị WEF lần này có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" gồm hơn 100 phiên họp, thu hút nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới lần này diễn ra tại Thiên Tân (WEF Thiên Tân) là hội nghị hết sức quan trọng diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.
Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới. Việc Việt Nam là một trong bốn lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như là cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.
Thông qua Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những kinh nghiệm, bài học của các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn để góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.