| ||
Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính thác khai thác từ ngày 18/1/2014 |
"Việc đưa đoạn tuyến này vào khai thác sẽ rút ngắn đáng kể thời gian chạy xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông và cải thiện mức độ an toàn trên hành trình từ Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc và ngược lại và là trục động lực kinh tế chính của các tỉnh, thành phố trong việc thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, du lịch…của TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Được chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công vào cuối tháng 11/2009, đây là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Thủ đô Hà Nội.
Dự án do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư có mục tiêu là giảm thiểu ách tắc tai nạn giao thông, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ chạy xe, đặc biệt là đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các vùng lân cận, phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực phía Bắc.
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 10.004 tỷ đồng trong đó, phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng và phần vốn đối ứng Việt Nam: 3.340 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9 năm 2009 với quy mô xây dựng:
Tổng chiều dài của dự án là 63,8 km đi qua 3 địa phương là: TP Hà Nội (dài 23,8 km), Bắc Ninh (dài 8,2 km) và Thái Nguyên (dài 31,8 km), với quy mô Bề rộng nền đường là 34,5 m, trong đó: Đoạn Ninh Hiệp - Sóc Sơn (dài 26,9 km) có bề rộng mặt đường là 21 m với 04 làn xe chạy và 02 làn dừng xe khẩn cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc và đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên (dài 36,9 km) có bề rộng mặt đường là 18m với 4 làn xe chạy và 2 dải an toàn, được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc.
Về việc tổ chức giao thông tại các nút giao liên thông, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết là tuyến Quốc lộ 3 mới hiện tại có 6 nút giao liên thông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cắt ngang gồm:
- Nút giao Ninh Hiệp: dạng kèn trumpet, km 0+000, giao với QL1-A. Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là 50km/h.
- Nút giao QL18: dạng kèn đôi trumpet, km 17+516, giao với QL18 Nội Bài - Bắc Ninh. Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là 50km/h.
- Nút giao Sóc Sơn: dạng kim cương, km 26+100, giao với đường ngang số 8 (Tỉnh lộ 296). Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là : 40km/h.
- Nút giao Yên Bình: dạng bán hoa thị, km 40+984, giao với đường ngang số 13 (sau này quy hoạch là Đại lộ Đông - Tây). Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là 40km/h. Hiện tại nút giao này vẫn chưa hoàn thiện và phải tổ chức giao thông tạm tại nút giao bằng Phổ Yên (Km41+812).
- Nút giao Sông Công: dạng bán hoa thị, km 53+122, giao với QL3 cũ. Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là 40km/h.
- Nút giao Tân Lập: km 61+716, giao với tuyến tránh Thái Nguyên. Tốc độ lưu thông tại nhánh nút giao là 40km/h.
Trong thời gian khai thác ban đầu chỉ cho phép các phương tiện di chuyển với tốc độ tối đa là: Vmax=80Km/h theo hai chiều đi trừ các đoạn sau:
- Đoạn chờ lún đầu cầu Phù Lôi (Km31+480 ~ Km31+937): 60km/h theo hai chiều đi.
- Nút giao bằng cầu vượt Phổ Yên: Điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông cho cả 2 chiều đi và về;
- Khu công nghiệp Yên Bình (Km43+710 ~ Km44+114): 60km/h theo chiều đi Thái Nguyên.
Sau khi tất cả các hạng mục công trình trên Quốc lộ 3 mới được hoàn thiện bao gồm: mặt đường tạo nhám, xử lý các vị trí chờ lún, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Phổ Yên, nút giao Yên Bình tốc độ xe của các phương tiện trên tuyến sẽ như sau:
- Đoạn Km0+000 ~ Km26+900: 100km/h.
- Đoạn Km26+900 ~ Km63+800: 80km/h.
Anh Minh