Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) Sáng 26/3, phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian 2 tuần tới, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương các thành phố: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã kịp thời dừng các hoạt động đông người; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết một cách quyết liệt.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã có nhiều biện pháp thông tin đến cộng đồng; hỗ trợ các sinh viên, du học sinh Việt Nam tại nước ngoài về nước, đặc biệt là các trường hợp bị kẹt lại do thay đổi chính sách hàng không của các quốc gia.
Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công an đã nhanh chóng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để rà soát, tổng hợp báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ số lượng các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, làm cơ sở để tiến hành xử lý cách ly nếu cần thiết.
Thủ tướng cho biết ngày 31/3 tới, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế.
Cuộc họp này sẽ bàn các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời cũng tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; tăng cường an ninh trật tự, an ninh quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) Thông tin tại cuộc làm việc cho thấy các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tại châu Âu, Thụy Sĩ đã huy động hàng nghìn quân dự bị tham gia phòng dịch. Đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ phải sử dụng biện pháp này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Quốc gia này đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và những ai không đứng cách đủ 2m so với người khác có thể sẽ bị phạt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3. Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc, đến cơ quan làm những việc không thể làm được tại nhà.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi.
Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo cho biết tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo tổng hợp của Bộ Công an về kết quả rà soát các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 7/3 đến ngày 24/3, có 36.911 người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Iran) và 44.636 người Việt Nam đã nhập cảnh.
Hầu hết những người này đã được yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế và tổ chức cách ly tập trung.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, tình hình lây nhiễm virus gây dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tăng tốc, bắt đầu xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, trong cơ sở y tế.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền các cấp cũng phải tăng tốc triển khai các biện pháp mạnh nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt," Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo.
Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, bia hơi, nhà hàng ăn uống, các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí.
Thủ tướng cho biết sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra tụ tập trên 20 người; đồng thời nhắc nhở Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội trong ngày mùng 1 âm lịch vừa qua để xảy ra việc có quá nhiều người đi lễ chùa trên địa bàn.
Thủ tướng nêu rõ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cần đóng cửa toàn bộ các hoạt động dịch vụ không cần thiết trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm.
Tạm dừng hoặc tổ chức lại với số lượng hạn chế các phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố, địa phương khác. Người dân được yêu cầu ở trong nhà trừ trường hợp thật cần thiết mới ra ngoài.
Thời gian thực hiện các chủ trương này từ 0 giờ ngày 28/3 và được triển khai trong một vài tuần và có thể xem xét kéo dài thêm sau đó, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh chủ trương cấm tụ tập đông người từ 20 người trở lên cần được khuyến cáo đến mọi tổ chức, công dân. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người bên ngoài công sở và trường học, bệnh viện.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện xét nghiệm các nhân viên y tế tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Khuyến cáo các cơ sở y tế chỉ nên khám chữa điều trị đối với những ca cấp cứu; tránh tập trung đông người nguy cơ lây nhiễm cao.
Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trong toàn quốc. Chính quyền địa phương và các ngành có trách nhiệm hỗ trợ, có phương án chăm sóc tốt hơn các nhân viên y tế nhất là tại các cơ sở điều trị COVID-19. Bảo toàn sức khỏe đội ngũ nhân viên y tế để có "sức chiến đấu" lâu dài phòng, chống dịch.
Quản lý nghiêm khắc hoạt động đường bộ, đường thủy; thực hiện nghiêm cách ly tập trung; nghiêm cấm các hoạt động tiếp tế, giám sát việc cách ly chuyên biệt. Bộ Quốc phòng và Tư lệnh các Quân khu chỉ đạo mở rộng các địa điểm cách ly ở khu vực miền Trung và Tây Nam.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng có các hình thức trực tuyến phù hợp kêu gọi các tầng lớp nhân dân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các cấp, các ngành có phương án thay đổi thói quen làm việc để phù hợp với tình hình thực tế.
Ngành y tế khẩn trương mua sắm các trang thiết bị y tế, hợp tác với các cơ sở sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế để phục vụ đầy đủ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có nhu cầu.
Nghiêm cấm đầu cơ, tích trữ nhu yếu phẩm, vật tư y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật.
Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế phải bình tĩnh, chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ trong xử lý các công việc phát sinh trong thời gian tới. Các cấp, các ngành và địa phương liên quan chú ý đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội mọi nơi, mọi lúc.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế phối hợp có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế có phương án mượn một số bệnh viện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong tình huống cần thiết.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra; tuyên truyền vận động, yêu cầu nhân dân nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm cộng đồng, đoàn kết, chung tay quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19.
Thủ tướng cũng đề nghị để đảm bảo an toàn, người dân nên hạn chế di chuyển và thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp, sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm./.