Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ nợ xấu dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông liên tục tăng nhanh. Tại thời điểm 30/6/2020, tỷ lệ này nợ xấu BOT đã là 5%, tăng gấp 2,5 lần so với 1 năm trước đó, chủ yếu do doanh thu thu phí không đạt dự kiến do tác động trực diện của Covid - 19. |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 9065/VPCP – CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải về việc nghiên cứu, đánh giá về tình hình triển khai các dự án giao thông theo phương thức PPP.
Công văn số 9065 nêu rõ, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn ngày 27/10/2020 có bài viết “Nguy cơ đổ vỡ nhiều dự án PPP giao thông lớn”. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá.
Theo nội dung bài viết “Nguy cơ đổ vỡ nhiều dự án PPP giao thông lớn”, từ năm 2015 đến nay, không có thêm dự án PPP giao thông dưới dạng hợp đồng BT hoặc BOT mới nào được triển khai, là cảnh báo đáng lo về tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông.
Theo bài báo, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là công trình PPP giao thông thứ hai thất bại trong việc tuyển chọn nhà đầu tư trong vòng hơn 1 tháng qua.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, Bộ GTVT cũng đã phải hủy thầu Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (theo hình thức PPP) do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Mặc dù Bên mời thầu đã gia hạn thời điểm đóng thầu từ ngày 2/10/2020 đến ngày 12/10/2020 và liên tục gửi thông báo đến các nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, nhưng đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu, vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và khoản 4, Điều 80, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/2/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT quyết định hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo khoản 4, Điều 3, Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.
Trước đó, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai Dự án. Các ngân hàng đều bày tỏ nhận thức được trách nhiệm trong việc ưu tiên xem xét, cung cấp tín dụng cho dự án quan trọng quốc gia, nhưng theo quy định pháp luật về tín dụng, đối với việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc có khá nhiều dự án PPP quy mô lớn đang được triển khai cũng làm loãng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác; căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn dự án để nộp hồ sơ dự thầu.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù không xin chuyển đổi sang đầu tư công, nhưng trong thời gian vừa qua, một loạt dự án PPP đường cao tốc khác cũng phải điều chỉnh phương án tài chính từ BOT thuần túy sang BOT có sự hỗ trợ tài chính rất lớn từ ngân sách trung ương.
Bày tỏ quan điểm về việc các dự án PPP liên tục phải điều chỉnh phương án đầu tư, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) cho rằng, điều này một mặt sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mặt khác sẽ làm hẹp thị trường PPP hạ tầng. “Đây là điều rất cần được các cơ quan nhà nước lưu tâm khi xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, ông Chủng kiến nghị.