Thời sự
Thu vượt dự toán dù miễn, giảm nhiều thuế, phí, công tác lập dự toán bị điểm danh
Khánh Linh - 30/05/2024 16:10
Thu ngân sách vượt dự toán 28,8% trong năm 2022 có phải do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa tốt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề.

Ngân sách vẫn thu cao dù có nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí

Trong phiên làm việc chiều 30/5 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2022 trong phiên làm việc chiều 30/5.

“Đa số ý kiến Ủy ban đánh giá cao kết quả tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo trước Quốc hội. Tuy nhiên, mức tăng thu khá cao cũng đang là nội dung được quan tâm.

Trong báo cáo thẩm tra gửi tới Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã nhắc đến ý kiến cho rằng, số tăng thu NSNN năm 2022 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa tốt. Vì, năm 2022 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí.

Theo báo cáo của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước đó, thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng 37,9% (tăng 44.715 tỷ đồng) so với dự toán; các khoản về nhà, đất tăng 57,1% (tăng 92.776 tỷ đồng)…

Đặc biệt, mặc dù thuế suất GTGT giảm từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022, nhưng số thu từ thuế GTGT năm 2022 vẫn tăng 105.527 tỷ đồng so với dự toán (tăng 30,02%), trong đó thuế GTGT thu từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước tăng 16,49%. Số thu từ dầu thô tăng cao và chiếm tỷ trọng cao...

Liên quan đến nội dung này, trong phần trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng nhắc đến nguyên nhân “do thận trọng trong xây dựng dự toán”.

Tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2022 dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố bị phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng và tạm ngừng hoạt động, Chính phủ ước thực hiện thu nội địa, thu xuất nhập khẩu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2022. Thực tế, thực hiện lớn hơn so với ước thực hiện.

Không chỉ đặt câu hỏi về công tác lập dự toán ở phần thu ngân sách, mà ở nội dung chi ngân sách năm 2022, vấn đề này cũng được đặt ra.

“Số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán. cần được xem xét, đánh giá lại trong khâu lập dự toán và tổ chức, thực hiện chi NSNN hằng năm tại các Bộ, ngành, địa phương”, ông Lê Quang Mạnh báo cáo.

Ngoài ra, số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm rất lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (thấp hơn 407.310 tỷ đồng sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN) cũng được báo cáo thẩm tra cho là “việc theo dõi, tổng hợp tình hình chi NSNN chưa sát”.

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.855.641 tỷ đồng, quyết toán 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán, thấp hơn dự toán 104.851 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện chưa tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, vừa không đảm bảo đáp ứng nhu cầu những nhiệm vụ chi cần thiết, gây lãng phí nguồn lực NSNN, phải vay, trả nợ lãi lớn để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán…; ảnh hưởng cả đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổng hợp dự báo kết quả thu, chi NSNN hàng năm làm cơ sở xây dựng dự toán NSNN năm sau, đảm bảo cơ sở khoa học, thực tiễn trong công tác lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện, chấp hành dự toán chi NSNN để sử dụng nguồn NSNN tiết kiệm, hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội phát biểu.

Theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trong đầu phiên làm việc chiều 30/5 của Quốc hội, dự toán thu NSNN năm 2022 là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (tăng 28,8%) so với dự toán; tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2022 đạt 19,1% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,4% GDP.

Lý giải kết quả tăng thu, Chính phủ cho rằng, công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt, nên thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán.

Nhờ vậy, ngân sách bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Kết quả chi đầu tư phát triển thấp

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, dự toán chi đầu tư phát triển là 597.147 tỷ đồng, quyết toán là 615.640 tỷ đồng, tăng 3,1% so với dự toán, tăng 18.493 tỷ đồng so với dự toán.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương là 138.131 tỷ đồng, bằng 81,6% so với dự toán; chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương là 477.509 tỷ đồng, tăng 11,6% so với dự toán.

Tuy nhiên, số quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2022 giảm 22.502 tỷ đồng so với số Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách ghi rõ.

Đây là lý do đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, kết quả thực hiện chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2022 là thấp so với yêu cầu và dự toán được giao. Nếu tính cả số chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 (chưa tính số bổ sung trong năm và số chuyển nguồn tăng thu, tiết kiệm chi về nguyên tắc được phân bổ một phần cho chi đầu tư trong năm 2022) là 268.351 tỷ đồng, số quyết toán chi đầu tư phát triển chỉ đạt 71,1% dự toán.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, số chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục cao hơn năm trước (Số chuyển nguồn chi ĐTPT nguồn NSNN năm 2021 sang năm 2022 là 268.351 tỷ đồng; năm 2022 sang năm 2023 là 313.165 tỷ đồng) cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả chưa cao.

Đồng thời, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 tiếp tục chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, tổ chức triển khai thực hiện dự toán, quyết toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN kéo dài nhiều năm.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, không gây lãng phí nguồn lực NSNN”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra.

Theo lịch trình, ngày mai, thứ Sáu, 31/5, Quốc hội sẽ làm việc tại tổ về nội dung này.

Tin liên quan
Tin khác