Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư
Theo kết quả đánh giá của VCCI năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có số điểm đánh giá là 69,24 điểm, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI, tăng 9 bậc so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, Thừa Thiên Huế chính thức lọt nhóm tốt của cả nước.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống hóa bộ thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Thừa Thiên Huế góp mặt trong 10 tỉnh, thành của cả nước dẫn đầu về chỉ số CPI |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư các thiết chế cần thiết và thể hiện tính đồng bộ, như: hình thành các khu đô thị, hạ tầng cảng biển; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm y tế chuyên sâu, chuẩn bị sẵn sàng một số quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án y tế chất lượng cao; trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm logistics trở thành các ngành chủ lực của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp…
Trước đó, tháng 7/2021, khi ban hành Kế hoạch (số 232/KH-UBND) về việc nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 nhằm - Cải thiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh thuộc vào “Nhóm tốt” hoặc nhóm trên của “Nhóm khá”… tỉnh này đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể.
Trong đó, phấn đấu năm 2021 chỉ số PCI xếp hạng dưới hạng 10. Cải thiện vị trí xếp hạng của tất cả các chỉ số thành phần trong năm 2021, cụ thể như sau: Chỉ số Tính minh bạch <5; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng <5; Chỉ số Chi phí không chính thức <10; Chỉ số Chi phí thời gian <10; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự <10; Chỉ số Tính năng động <10; Chỉ số Đào tạo lao động <15; Chỉ số Tiếp cận đất đai <25; Chỉ số Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp <25; Chỉ số Gia nhập thị trường <25…
Kế hoạch để thực hiện một trong các giải pháp trên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hết sức quan tâm, lưu ý. Đặc biệt là việc thực hiện cơ chế giám sát giải quyết yêu cầu, khiếu nại của doanh nghiệp bằng công nghệ thông tin (ví dụ Hue-S), thực hiện chặt chẽ quy trình công việc theo chuẩn ISO … Bên cạnh đó, tỉnh này cũng xây dựng kế hoạch triển khai 100% các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện lên mức độ 4.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhằm cải thiện chỉ số Tính minh bạch, trong đó lưu ý các giải pháp: Công khai minh bạch các thông tin, tài liệu theo quy định trên các phương tiện (đặc biệt các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch vốn đầu tư công, danh mục dự án, tiêu chí kêu gọi đầu tư; đấu giá bán tài sản công,...). Hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời khi doanh nghiệp có yêu cầu (trong khoảng thời gian từ 02-03 ngày làm việc)…
Nhờ đó, năm 2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Thừa Thiên Huế đạt 4,36%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1.022 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 800 triệu USD, tăng 47,3%. Ước thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt 10.206 tỷ đồng, vượt 68,3% dự toán, tăng 12% so với thực hiện cùng kỳ.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu thích ứng an toàn, cùng với tận dụng tốt các cơ hội, kết hợp với các giải pháp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7,5% so với năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra năm 2022 là khá nặng. Phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo tiền quan trọng đề triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI cũng phản ánh về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Đây không phải là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế được xếp vào danh sách những tỉnh, thành có chỉ số PCI hàng đầu. Song với vị trí thứ 8 trên cả nước cho thấy, chính quyền tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, kịp thời. Trong Ảnh, Chủ tịch UBDN tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra và trao đổi với một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn |
Trong bối cảnh hiện nay, để thành lập và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thì gánh nặng về chi phí thời gian và chi phí không chính thức là rất lớn và là một trong những rào cản làm cho nhiều doanh nghiệp mất cơ hội, nản lòng dẫn tới từ bỏ quyết định đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, tỉnh đã có sự cải thiện rất đáng kể. Theo đó, trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm nay, tỉnh có 2 chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, đó là chỉ số Chi phí không chính thức (đạt 7,95 điểm - xếp thứ 4 cả nước) và Chi phí thời gian (đạt 8,29 điểm - xếp thứ 8 cả nước).
Ngoài ra, chỉ số Tính minh bạch và Đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế cũng được duy trì và cải thiện ở nhóm khá, lần lượt xếp thứ 11 và 14 của cả nước. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận các tài liệu pháp lý, tài liệu liên quan đến quy hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tốt…
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, để có được vị trí này, nhiều năm liền UBND tỉnh đã tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị cấp huyện (DDCI) để xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào, thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.
Tỉnh cũng đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 100% thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình Một cửa điện tử hiện đại;…
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong việc ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt phải kể đến là các chính sách hỗ trợ cung cấp miễn phí chữ ký số công cộng; hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp...
“Tôi luôn quan niệm rằng, mỗi một đánh giá không tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà hệ thống nhà nước cần phải nỗ lực hơn nữa”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.