Mục tiêu phát triển đô thị thông minh đến năm 2025:
Ngày 10/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1779 /QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”.
Đề án được xây dựng trên quan điểm “Lấy người dân làm trung tâm; Doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo” với mục tiêu: Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; Quản lý đô thị tinh gọn; Bảo vệ môi trường hiệu quả; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện…Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Du lịch.
Thừa Thiên Huế mở rộng cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp tham gia xây dựng đô thị thông minh. |
Phó Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, trước mắt, trong năm 2018, mục tiêu của Đề án sẽ là tập trung xây dựng kiến trúc tổng thể nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng thông minh, các doanh nghiệp thông qua ứng dụng đó cung cấp dịch vụ phục vụ cho người dân.
"Trong năm 2019, dự kiến 6 tháng đầu năm 2019 sẽ hoàn thiện công tác thử nghiệm và có thể cung cấp cho người dân trên địa bàn một số dịch vụ cơ bản thông qua môi trường mạng. Và cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ hoàn thiện các dịch vụ sau khi đưa vào vận hành và thu thập ý kiến người sử dụng, đồng thời sẽ phát triển các dịch vụ mới theo thực tiễn phát triển”, ông Sơn cho hay.
Tại buổi giao lưu đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, cái đích cuối cùng của việc phát triển đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đó là thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ tốt hơn, cuộc sống, các nhu cầu sống và làm việc, đảm bảo an toàn của người dân cũng được tốt hơn, thuận tiện hơn.
“Người dân sẽ là chủ thể quan trọng nhằm thúc đẩy dịch vụ hoàn thiện hơn, quản lý nhà nước hiệu quả hơn khi sử dụng dịch vụ đô thị thông minh. Vì vậy, mọi giải pháp cung cấp phải được khảo sát, nghiên cứu một cách chu đáo, cẩn trọng và phải đảm bảo trả lời được câu hỏi người dân đang cần và mong muốn gì ?”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
Sẽ mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp
Do tính chất mới mẻ, do vậy việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chắc chắn sẽ gặp không ít những khó khăn, trở ngại.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ: “Hiện nay hành lang pháp lý tạo điều kiện phát triển đô thị thông minh vẫn chưa được hoàn chỉnh, chưa có bộ tiêu chí về xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh (theo Thông báo số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng chính phủ). Việc lựa chọn các tiêu chí đánh giá, đặc biệt phù hợp với đặc thù của Việt Nam và các địa phương đang là vấn đề mở, cần sớm được thống nhất và có hướng dẫn cụ thể”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chia sẻ thêm, việc xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ mới ở Việt Nam, do đó việc triển khai đòi hỏi vừa làm vừa học. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng đô thị thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi có lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn.
Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, khác với mô hình chính quyền điện tử, nguồn lực phát triển đô thị thông minh tập trung chính ở doanh nghiệp vì đa số dịch vụ cho người dân, xã hội đều cung cấp bởi doanh nghiệp. Do vậy, việc huy động nguồn lực doanh nghiệp tham gia vào phát triển đô thị thông minh là vấn đề có tính chất quyết định của Đề án.
“Chính quyền sẽ đóng vai trò kiến tạo, chỉ tập trung các vấn đề cốt lõi đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo ra hệ thống dùng chung hỗ trợ cho doanh nghiệp được thụ hưởng một cách bình đẳng. Vai trò kiến tạo của nhà nước còn thể hiện rõ ở việc xây dụng các kiến trúc khung, các cơ chế chính sách đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia vào một cách bình đẳng, công khai, minh bạch những đảm bảo trật tự, quy chuẩn được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt hơn cả là các chính sách đặc thù nhằm thu hút xã hội hóa tạo niềm tin và sự mạnh dạng của các doanh nghiệp khi tập trung nguồn lực vào phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết: “Sau quá trình thí điểm, Sở TT&TT cùng các Sở liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Cơ chế đặc biệt ưu đãi để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào phát triển dịch vụ đô thị thông minh theo hình thức xã hội hóa vào năm 2019”.
Các chính sách chung kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp đối với chiến lược xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế:
Nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai, hỗ trợ giao mặt bằng đất sạch cho nhà đầu tư. Hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng làm việc trong 3 năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu thuê mặt bằng trên địa bàn tỉnh để hoạt động. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Ngoài các ưu đãi trên, nếu dự án thuộc dự án trọng điểm, có tính chất quan trọng, tỉnh sẽ xem xét cho phép áp dụng thêm các hỗ trợ đầu tư khác.