Du lịch
Thừa Thiên Huế phát triển du lịch theo “con đường di sản”
Linh Đan - 21/04/2024 14:24
Tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động liên kết phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị…, tạo nên một cung đường nhiều điểm đến, theo hướng “con đường di sản”.
Du khách tham quan làng Hương - điểm du lịch nổ tiếng xứ Huế.

Đề xuất đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh mong muốn được đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Tỉnh xác định, đây là sự kiện quan trọng, gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, đồng thời chào mừng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước; phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng, liên vùng; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm tiếp theo.

Mới đây, tại Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh này.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích, tỉnh đã tập trung đầu tư để thực hiện tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn. Các Dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa được tập trung thực hiện.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, HĐND, UBND tỉnh xác định, lĩnh vực văn hoá giữ vai trò nền tảng tinh thần, động lực quan trọng để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Văn hóa luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, duy trì nhịp độ tăng trưởng, đạt kết quả tích cực. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hoá ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa, ẩm thực, con người Huế; khai thác, phát huy các lễ hội, loại hình văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân. Đồng thời, Thừa Thiên Huế phát triển du lịch thông qua hình thức Festival bốn mùa với chuỗi hoạt động trải đều trong năm, tập trung vào từng chủ đề.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem Festival Huế là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa của quốc gia năm 2024; hỗ trợ công tác quảng bá cho Festival Huế tại các hội chợ, liên hoan nghệ thuật, sự kiện lớn do Bộ chủ trì…

Phát triển sản phẩm du lịch theo “con đường di sản”

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá, thời gian qua, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa, điểm đến du lịch với bạn bè trong nước, quốc tế.

Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi đã giúp quảng bá văn hóa - du lịch của địa phương, hấp dẫn du khách. Đặc biệt, việc tổ chức thành công nhiều kỳ Festival Huế góp phần phục vụ công tác mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa quốc gia.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, qua theo dõi địa bàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy, Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển khá nhanh về văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong du lịch, Thừa Thiên Huế được xác định là một trong những cực tăng trưởng khu vực Bắc miền Trung. Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh đã chủ động liên kết trong phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc liên kết đã cụ thể hóa quan điểm phát triển du lịch phải bắt đầu từ sự liên kết; tạo nên một cung đường, nhiều điểm đến. Sản phẩm du lịch được phát triển phong phú, đa dạng theo hướng “con đường di sản”.

Đặc biệt, hướng đi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gợi mở là tỉnh tập trung phát triển du lịch y tế. “Nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh của du khách trên thế giới ngày càng cao. Cộng với việc thành tựu y học của Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao, đây sẽ là lợi thế để tỉnh phát triển du lịch y tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẵn sàng đồng hành với tỉnh, cùng Bộ Y tế phát triển du lịch y tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Đối với văn hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh, gốc của sự phát triển vẫn nằm ở xây dựng môi trường văn hóa. Vì vậy, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xây dựng các hương ước, quy ước, quy định của cơ quan, đơn vị để tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh. Việc xây dựng hương ước, quy ước, quy định phải trên cơ sở do nhân dân đề xuất, người dân tự nguyên.

Về hệ thống di tích, di sản của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không thể chạy theo số lượng, tiến hành kiểm kê, xếp hạng, xây dựng hồ sơ theo kiểu “ồ ạt” để rồi khi được công nhận lại không có nguồn lực thực hiện tu bổ, phục hồi, phát huy các giá trị.

Một hướng đi khác được Bộ trưởng gợi mở là TP. Huế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm triển khai các hoạt động cụ thể, xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngoài ẩm thực, Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố sáng tạo về văn hóa truyền thống, cụ thể là áo dài. Việc có thêm thành phố gia nhập mạng lưới này sẽ góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia; đóng góp hiệu quả vào quảng bá văn hoá Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác