- Thừa Thiên Huế xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây 757 tỷ đồng
- Thừa Thiên Huế hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container tại cảng Chân Mây
- Thừa Thiên Huế đầu tư 252 tỷ xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
- Thừa Thiên Huế tiếp nhận viện trợ tu bổ mái Khải Tường Lâu tại Cung An Định
Ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây.
Tại Hội nghị, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã thừa ủy quyền của Cục Hàng hải Việt Nam công bố quyết định về việc cho phép cảng Chân Mây tiếp nhận tàu và làm hàng container tại cầu cảng số 2.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực, toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,92% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,72%), là mức tăng trưởng khá trong 12 tỉnh thuộc Vùng DHMT, dự kiến mức tăng trưởng cả năm đạt 7,69%. Tính đến cuối tháng 9/2022, có 633 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.498 tỷ đồng; tăng 38,8% về lượng và tăng 59,6% về vốn so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận cùng doanh nghiệp tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5 - 6 triệu tấn/năm. Hiện nay, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4 - 4,5 triệu tấn.
“Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm”, ông Phương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Đồng thời, mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện một số dự án tiêu biểu. |
Tại Hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng công bố chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Theo đó, các hãng tàu, đại lý hãng tàu mở tuyến cập cảng làm hàng container ở cảng Chân Mây với tần suất tối thiểu hai chuyến tàu mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến tàu cập cảng.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ được tỉnh hỗ trợ. Đối với container 20 feet sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng/container. Đối với container 40 feet sẽ được hỗ trợ 1,1 triệu đồng/container. Chính sách hỗ trợ này có hiệu lực từ nay đến hết năm 2023.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Bến số 4 và số 5 cảng Chân Mây, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và 8 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.