Tại Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đó là tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm dệt may khu vực miền Trung - Tây Nguyên; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh, mỏ đá vôi, đất sét, than bùn.
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường |
Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động theo giải pháp thông minh, điều khiển từ xa; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô; công nghiệp luyện kim; công nghiệp chế tác du thuyền, các phương tiện bay, phương tiện giao thông đa dụng, sử dụng năng lượng tái tạo; sản xuất đồ dùng thể thao; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp dược liệu, chế phẩm sinh học, mỹ phẩm, sản xuất thuốc, vắc-xin, thiết bị, sản phẩm y tế; chế biến thực phẩm, chế biến nông, thủy sản.
Phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến di sản, văn hóa, festival, du lịch, các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, thiết bị, vật tư phục vụ bảo tồn di tích, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất hàng hóa xa xỉ phẩm, vật dụng, đồ lưu niệm, hàng hóa tiêu dùng khác.
Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đối với phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, Quy hoạch đã xác định, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường theo hướng xanh, bền vững. Ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu.
Trong đó, phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, ...; là khu kinh tế động lực quan trọng gắn kết với các tỉnh, thành phố trong Vùng động lực miền Trung. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng. Tập trung xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị Chân Mây; Đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc hiện hữu) đạt tiêu chí đô thị loại III.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt: Là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng và một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Huy động vốn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp Hương Lâm nằm trong khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, quy mô 140 ha để tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo đầu ra cho nông lâm sản của địa phương và tăng cường giao thương quốc tế với nước bạn Lào.
Phát triển các khu công nghiệp theo hướng sản xuất sạch, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cộng sinh công nghiệp, hướng tới tiêu chí khu công nghiệp sinh thái. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế từng khu vực như: quy hoạch mới KCN – đô thị - dịch vụ Lộc Sơn, Phú Lộc có quy mô khoảng 1.500 ha; KCN – đô thị - dịch vụ Phong Điền (Phong Điền, Quảng Điền) có quy mô khoảng 1.200 ha; mở rộng các KCN trong các khu kinh tế theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền; đến năm 2030, có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.937,47 ha.
Về phát triển các cụm công nghiệp, Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 có 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.330,1 ha; đảm bảo sử dụng nguồn lực đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.