Doanh nghiệp
Thúc đẩy AI có trách nhiệm trong start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Eric Yeo Tổng giám đốc AWS Việt Nam

AI là một trong những công nghệ có tính đột phá nhất của thời đại hiện nay, với tiềm năng mang lại giá trị tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Để biến tiềm năng này thành hiện thực, chúng ta cần cẩn trọng điều hướng quá trình phát triển AI, cân bằng giữa việc tận dụng các lợi ích kinh tế và đảm bảo các chính sách đúng đắn được áp dụng hiệu quả để giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng.

Cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ cần phối hợp cùng nhau để giải quyết bài toán này, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng khi 97% nhà tuyển dụng tại ASEAN kỳ vọng doanh nghiệp của họ sẽ trở thành những tổ chức vận hành bằng AI vào năm 2028, theo một nghiên cứu gần đây do Amazon thực hiện tại châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn các nhà tuyển dụng (96%) tin rằng bộ phận công nghệ thông tin sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ AI, các bộ phận nghiên cứu và phát triển (94%), tài chính (93%), bán hàng và tiếp thị (92%), pháp lý (86%), và nhân sự (88%) cũng được dự đoán sẽ có những lợi ích đáng kể.

Tuy nhiên, AI dường như là quá sức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), do họ thường thiếu thời gian và nguồn lực để thử nghiệm các giải pháp mới. Điều này có thể kìm hãm sự đổi mới sáng tạo cũng như giảm cơ hội phát triển do sự chậm trễ trong quá trình ứng dụng AI.

Vì vậy, Amazon tin rằng, việc sử dụng công nghệ AI một cách có trách nhiệm là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cam kết phát triển các dịch vụ AI công bằng và chính xác, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của chính phủ trong việc thúc đẩy AI có trách nhiệm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp tại ASEAN.

Xu hướng phát triển AI dựa vào cộng đồng

Trong thế giới ngày càng kết nối, một yếu tố quan trọng để phát triển AI có trách nhiệm là sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tại ASEAN, nhiều công cụ dùng để xây dựng và quản lý AI, như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - nền tảng của AI tạo sinh (Gen AI), cần được phát triển với sự đóng góp đa dạng từ các đại diện khu vực.

Việc đưa các góc nhìn đa dạng và địa phương hóa vào quá trình phát triển AI là vô cùng quan trọng để giúp nhiều người hơn tham gia định hình công nghệ mới nổi này, khiến AI trở nên phù hợp hơn với mỗi cộng đồng và đảm bảo rằng họ có cơ hội ảnh hưởng đến các xu hướng do AI thúc đẩy, những xu hướng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của họ.

Một yếu tố then chốt để đạt được điều này là đầu tư và mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo kỹ năng về AI. Nhu cầu về đào tạo kỹ năng AI đang gia tăng mạnh mẽ trong khu vực. Nghiên cứu của AWS cho thấy, hơn 9 trên 10 người lao động tại ASEAN bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển kỹ năng AI để thúc đẩy sự nghiệp của họ, và sự quan tâm này đến từ nhiều thế hệ.

Hơn 90% người lao động thuộc thế hệ Gen Z, Millennials và Gen X đều mong muốn học hỏi kỹ năng AI, trong khi 86% người thuộc thế hệ Baby Boomers (nhóm người đang ở giai đoạn chuẩn bị nghỉ hưu) cho biết, họ sẵn sàng tham gia khóa học nâng cao kỹ năng AI nếu có cơ hội.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, việc có một lực lượng lao động thành thạo kỹ năng AI có thể mang lại lợi ích lớn về năng suất cho các quốc gia trong ASEAN. Các nhà tuyển dụng được khảo sát dự đoán, năng suất sẽ tăng 54% nhờ công nghệ AI tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, cải thiện quy trình làm việc, kết quả và tăng hiệu quả giao tiếp.

Bên cạnh tăng năng suất, việc tham gia các chương trình nâng cao kỹ năng AI khiến ngày càng có nhiều người tham gia các cuộc thảo luận liên quan đến AI và đóng góp quan điểm đa dạng của mình vào các quá trình hoạch định chính sách toàn cầu, những chính sách sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống, chuẩn mực và cơ chế trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Đầu tư vào AI để xây dựng một tương lai có trách nhiệm

Nhà tuyển dụng đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích nhân viên áp dụng các kỹ năng và năng lực mới, chuẩn bị cho môi trường làm việc ứng dụng AI cũng như luôn cập nhật những phát triển mới trong lĩnh vực này. Điều này càng đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ có thể tận dụng tối đa những lợi ích về năng suất mà AI mang lại, cũng như tham gia quá trình phát triển AI ngay từ giai đoạn đầu.

Các lộ trình học tập toàn diện và theo khuôn khổ có thể được thiết kế để giúp nhân viên chuyển đổi từ các kỹ năng AI cơ bản đến các khái niệm và khả năng nâng cao. Việc áp dụng những khái niệm này vào các bối cảnh thực tế sẽ giúp nhanh chóng chứng minh giá trị của AI trong nhiều tình huống, đồng thời chuẩn bị cho nhân viên khai thác AI hiệu quả. Ví dụ, Amazon Web Services (AWS) cung cấp các khóa học miễn phí về AI tạo sinh trong khuôn khổ sáng kiến “AI Ready” hướng tới mục tiêu đào tạo hơn hai triệu lao động trên toàn cầu vào năm 2025.

Nhà tuyển dụng cũng có thể tận dụng tài nguyên đào tạo đám mây toàn diện do AWS cung cấp, gồm hơn 70 khóa học kỹ năng miễn phí bằng tiếng Việt. Từ năm 2017 đến nay, AWS đã đào tạo hơn 50.000 lao động về các kỹ năng đám mây.

Các khóa học này giúp nhà tuyển dụng đánh giá và xác định những lỗ hổng kỹ năng, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp; cho thấy AI được thiết kế để hỗ trợ, chứ không thay thế các nhóm; khám phá cách AI có thể bổ sung cho những năng lực hiện có; cải thiện năng suất; tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới; và khai thác các chương trình đào tạo chuyên sâu về các ứng dụng thực tế của công nghệ AI, bao gồm cả AI tạo sinh.

Khi các tổ chức, chính phủ và cộng đồng cùng nhau xây dựng các khuôn khổ và tiêu chuẩn cho AI có trách nhiệm, chúng ta sẽ có thể khai thác và phát huy tiềm năng của AI trong việc tạo nên xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tin liên quan
Tin khác