Ngày 1/12, diễn ra Hội nghị quốc tế về “Chính sách, luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu 2023” do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật (ĐH Huế) tổ chức tại TP.HCM.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về “Chính sách, luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu 2023”. |
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP28 đang được tổ chức tại Dubai và thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… nhằm đánh giá về thực trạng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống kinh tế, xã hội, từ đó, đưa ra các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và tạo ra lợi nhuận từ tín chỉ carbon.
PGS-TS. Lê Vũ Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết, thỏa thuận Paris và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho xã hội, cũng như yêu cầu cấp bách về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây không còn giới hạn ở các quốc gia phát triển có mức phát thải cao mà bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước các tác động của hiện tượng này.
Do đó, TS. Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh UEL nhận định, định giá carbon được xem là yếu tố trọng tâm trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia hiện nay.
“Việt Nam cũng có các chương trình thí điểm cho carbon rừng cũng như vận hành thí điểm thị trường carbon tại một số nơi nhất định. Trong đó, các dự thảo về thí điểm thị trường carbon được đưa ra đang rất quan tâm đến người yếu thế, người bảo vệ rừng, sống phụ thuộc vào rừng… Phần tài chính thu được từ các thị trường này cũng đang định hướng rất rõ là sẽ dành cho sự phát triển tăng trưởng xanh”, TS. Đào Gia Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về biến đổi khí hậu và các lợi ích từ thị trường carbon là những thách thức lớn đặt ra hiện nay.
TS. Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh UEL chia sẻ tại hội nghị. |
Ở góc độ doanh nghiệp, khung chính sách pháp luật khi nói đến tín chỉ carbon đang mang tính lạc quan và hướng đến tương lai là chủ yếu. Trong khi hiện tại vẫn chưa có những chính sách cụ thể, điều luật rõ ràng để doanh nghiệp áp dụng ngay lập tức, các điều luật phải chờ đợi đến năm 2025-2028 để được ban hành cụ thể.
“Đối với việc lập ra một dự án carbon và thu tín chỉ carbon, chúng ta vẫn phải chờ đợi khung pháp luật cụ thể và cần Nhà nước ban hành thêm nhiều thông tin và văn bản pháp luật cụ thể để quy định cụ thể về thị trường mua bán phát thải tại Việt Nam. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều thông tin để tham gia vào thị trường phát thải này”, TS. Đào Gia Phúc thông tin.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang “chậm chân” trong vấn đề này, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là cung cấp thêm thông tin về tín chỉ carbon, phát thải ròng, Net Zero cho người dân, doanh nghiệp nhằm hướng đến thay đổi nhận thức trong thời gian tới.
Để làm được điều này, cần gia tăng thêm nhiều hội thảo, chương trình nhằm phổ biến thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thành lập trung tâm về thị trường tín chỉ carbon tại các thành phố lớn để triển khai các dự án, nắm bắt thông tin và giới thiệu cơ hội cho doanh nghiệp trong thời gian tới.