Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (bên phải) tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Cú hích từ các dự án lớn
Làm sao đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, không chỉ là các dự án hỗ trợ phát triển của phía Việt Nam cho Lào, mà còn là các dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào. Đó là một trong những mối quan tâm chung của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sụ-phăn Kẹo-mi-xay tại cuộc hội đàm chính thức trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vào cuối tuần qua.
Báo cáo hai Bộ trưởng, đồng thời cũng là hai Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào và Lào - Việt, ông Khăm-phởi Kẹo-kin-na-ly, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam cho biết, hiện có 413 dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, với tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD, trong đó đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam là 3,9 tỷ USD. Phần lớn các dự án này được đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, khoáng sản và các ngành dịch vụ khác.
“Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Lào”, ông Khăm-phởi nói.
Không quá khó để kể tên các dự án này. Chẳng hạn, Dự án Unitel của Viettel; các dự án trồng cao su, cọ dầu, sân bay của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; hay Dự án Thủy điện Xecamản 1; Dự án đường dây tải điện từ Xecamản về Pleiku… Ngoài ra, còn có Dự án Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn, Dự án Crowne Plaza, Dự án Khu đô thị Nong Tha…
Chính các dự án này, cộng thêm hàng loạt dự án đã và đang được xây dựng từ vốn hỗ trợ chính thức của Chính phủ Việt Nam, cũng như từ sự hỗ trợ của nhiều địa phương Việt Nam, như Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt - Lào ở hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, Dự án xây dựng Trường Năng khiếu tỉnh Xiêng Khoảng… đã góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt - Lào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, đặc biệt trong kết nối kinh tế.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, cả Bộ trưởng Sụ-phăn và Thứ trưởng Khăm-phởi đều cho rằng, đang tồn tại những “vấn đề” đối với các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, như chậm tiến độ, thiếu vốn...
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đang có dấu hiệu chững lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thị trường, nguồn vốn, khó khăn trong triển khai.
“Hai Ủy ban Hợp tác cần tập trung hơn nữa tháo gỡ khó khăn cho các dự án này, trước mắt tập trung vào các dự án trọng điểm để giải quyết dứt điểm, từ đó tạo nền tảng để thu hút thêm dự án đầu tư mới. Nếu khó khăn quá thì sẽ báo cáo hai Thủ tướng, phải giải quyết từng vấn đề nhỏ một”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hướng mở cho kết nối kinh tế Việt - Lào
Không chỉ là các dự án đã và đang được triển khai, tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng cũng đã đề cập nhiều dự án mà cả hai bên đang quan tâm thúc đẩy. Chẳng hạn, các dự án mang tính kết nối giao thông như cảng Vũng Áng, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn… Ngoài ra, còn là các dự án thủy điện, sân bay Nọng Khang… Các dự án này một khi được triển khai sẽ nền là tảng quan trọng để Việt Nam và Lào thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, nâng cao tính bổ trợ lẫn nhau.
“Để thúc đẩy hợp tác, ngoài việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đã và đang triển khai, Lào cũng phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không làm được điều đó, thì không thể thu hút đầu tư, tạo giá trị tăng thêm cho nền kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, với kinh nghiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho phía Lào, bởi đây chính là vấn đề cốt lõi để giải quyết căn cơ một số tồn tại của nền kinh tế Lào.
Về đầu tư từ Việt Nam sang Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp đã “tới ngưỡng”, do đó trong thời gian tới, nên tập trung vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch mà hiện nay, Lào có rất nhiều dư địa để phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Hợp tác Việt - Lào sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để bàn cách giúp các địa phương của Lào thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, làm sao tạo được nhiều sản phẩm mới, thị trường mới và tham gia được vào chuỗi giá trị. Cùng với đó, hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch để tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Lào.
Trước phiên hội đàm giữa hai Bộ trưởng, chiều 21/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới chào xã giao Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Sau khi nghe Bộ trưởng đề xuất các lĩnh vực hợp tác đầu tư mới, Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng và nói rằng, ông “đang chờ đợi các nhà đầu tư Việt Nam đến”. Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng khẳng định, Chính phủ Lào luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại Lào.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019-2021
Kết thúc cuộc hội đàm chính thức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sụ-phăn Kẹo-mi-xay đã cùng ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2019-2021.
Thỏa thuận nêu rõ, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2018 giữa hai Bộ, ký vào ngày 28/7/2017 tại TP. Đà Nẵng, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.
Cụ thể, hai bên đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ công tác tham mưu cho hai Đảng, hai Nhà nước trong việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác năm 2018 và thúc đẩy triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Lào - Việt Nam năm 2016-2020. Ủy ban Hợp tác hai nước cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hai bên thúc đẩy, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và doanh nghiệp Lào tại Việt Nam; đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, được hai bên thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 41.
Cả hai bên cũng đã thường xuyên cử đoàn công tác để trao đổi chuyên môn, chuyên ngành trên lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nhất là công tác lập quy hoạch, thẩm tra, thẩm định, công tác quản lý và lưu trữ, công tác thống kê và quản lý giám sát các dự án sử dụng vốn ODA, công tác thanh tra, công tác dịch vụ một cửa đối với đầu tư tư nhân…
Với mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư giữa hai nước ngày càng lớn mạnh, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung nhiệm vụ hợp tác giai đoạn 2019-2021.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của hai nước và xúc tiến và quản lý đầu tư của doanh nghiệp tại mỗi nước; đồng thời làm đầu mối phối hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận triển khai theo tiến độ và giải quyết giảm thiểu vướng mắc tồn đọng của các dự án đầu tư đã được cấp phép từng giai đoạn.
Cả hai bên cũng sẽ tiếp tục thường xuyên cử các đoàn công tác để trao đổi, hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực như nghiên cứu quản lý kinh tế vĩ mô, công tác quản lý đầu tư tư nhân và vùng kinh tế đặc biệt, khảo sát thống kê kinh tế và quản lý thống kê các cấp…