Nam A Bank là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường. |
Yếu tố quan trọng
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp giảm giá trị thương hiệu, nguy cơ mất uy tín, mất khả năng cạnh tranh do hoạt động sản xuất - kinh doanh tác động tiêu cực đến môi trường ngày càng đáng báo động.
Vậy làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn trên cho doanh nghiệp cũng như xã hội?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lời giải chính là tăng trưởng xanh. Đây được xác định là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển hạ tầng để cải thiện tính hiệu quả của nền kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội và ngành ngân hàng không phải ngoại lệ. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng phải chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Hệ thống ngân hàng sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường. Điều này mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế bảo vệ môi trường, mà còn cho chính sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ danh tiếng trên thị trường.
Có thể thấy, hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn và đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. Trong đó, ngành ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Phối hợp chặt chẽ
Trên thực tế, tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá mới mẻ, xu hướng mở rộng các điều kiện xem xét cho vay đối với các dự án có tính đến yếu tố tác động môi trường mới được nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện. Một điểm hạn chế hiện nay là việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, việc xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm. Do đó, hiệu quả chưa được như kỳ vọng và còn xa vời so với thực tế. Thực tế, tín dụng xanh mới tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Thời gian qua, NHNN đã yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính của NHNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tham mưu cho NHNN; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội… Thế nhưng, dư nợ đối với loại hình tín dụng này chỉ tập trung ở Agribank. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa mạnh dạn đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này, do lo ngại rủi ro cao.
Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, lý do một phần là tín dụng xanh ở Việt Nam mới được quan tâm trong những năm gần đây. Các giải pháp về tín dụng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn ngành. Bên cạnh đó, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn thiếu và chưa đồng bộ, nên việc triển khai rộng rãi chủ trương này cũng là một thách thức.
Cùng với đó, các ngân hàng của Việt Nam sẽ phải nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ để cho vay lại. Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, Nam A Bank đã ký kết với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình tín dụng xanh tại Việt Nam. Trong đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, Nam A Bank giải ngân bằng VND cho khách hàng cá nhân và khách hàng pháp nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm trong thời gian lên đến 24 tháng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn và được điều chỉnh ưu đãi linh hoạt theo từng thời kỳ.
Với chương trình tín dụng xanh, Nam A Bank mong muốn tạo điều kiện để khách hàng bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng cũng như tuân thủ định hướng của NHNN trong việc phát triển tín dụng xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Maud Savary Mornet, Giám đốc Quỹ GCPF Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với chương trình tín dụng xanh, GCPF và Nam A Bank sẽ đồng hành cùng khách hàng trong các mục tiêu tài chính cũng như chung tay bảo vệ môi trường. Đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cũng cho hay, tổ chức này đã phối hợp cùng NHNN trong nhiều năm qua để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.
Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực của ngành ngân hàng trong chiến lược này.