Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê). |
GDP quý II/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, song nhìn lại quý II/2020, do tác động của Covid-19, tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,39%, mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Ông bình luận gì về những con số này?
Đại dịch Covid-19 đã gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, suốt gần 2 năm qua. Đầu tháng 5/2021, làn sóng Covid-19 với biến chủng mới một lần nữa bùng phát trên diện rộng rất nguy hiểm và phức tạp, đặc biệt lại xảy ra ở một số địa phương trọng điểm về công nghiệp chế biến, chế tạo - nhân tố đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng GDP… Tuy vậy, từ bài học của những đợt bùng phát dịch trước, Chính phủ đã kịp thời phản ứng, thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế phát triển.
Nhờ sự bình tĩnh, ứng phó kịp thời, rút kinh nghiệm của công tác phòng, chống dịch năm 2020, thực hiện giãn cách cục bộ tại các tâm dịch với phương châm “đám lửa to khoanh to, lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tắt” của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hoạt động kinh tế của cả nước tuy bị ảnh hưởng, nhưng mức độ suy giảm không quá nghiêm trọng.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế quý II/2021 đạt 6,61%, cao hơn 6,22 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn 3,82 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Theo tôi, đây là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh hiện nay.
Nhưng trong quý II, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực đều tăng trưởng rất cao, thưa ông?
Nếu so sánh với một số quốc gia trên thế giới có sự phục hồi ngoạn mục trong quý II/2021, như Mỹ ước tăng 8,4%, Anh tăng 22,5%, Ấn Độ tăng 18,5%, Pháp tăng 11%, Malaysia tăng 14%, Philippines tăng 13%…, thì tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các nước này đều suy giảm kinh tế rất mạnh trong quý II/2020.
Việt Nam dù tăng trưởng thấp hơn trong quý II/2021, nhưng quý II/2020 vẫn đạt tăng trưởng dương, nên quy mô nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%). Khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm nay ra sao, thưa ông?
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thì kết quả tăng trưởng này là tích cực.
Hiện năng lực nội tại của nền kinh tế còn yếu, dịch bệnh vẫn đang tấn công trực tiếp vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn là động lực tăng trưởng, nhất là các khu công nghiệp quy mô lớn tại các địa phương là động lực phát triển như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Đáng lưu ý, Chỉ số Sản xuất công nghiệp của các tháng trong quý II/2021 có xu hướng giảm dần mức tăng trưởng do dịch Covid-19 đã thâm nhập và gây đảo lộn tại các khu công nghiệp.
Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng 6,5% cả năm 2021 chắc chắn rất khó khăn. Do tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp, nên để đạt được mục tiêu này, thì 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,2%.
Vậy theo ông, Chính phủ có nên trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021?
Như tôi đã nói ở trên, Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương trọng điểm, đầu tàu về phát triển kinh tế, nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, với tình hình hiện nay, Chính phủ chưa cần trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà thực hiện chỉ đạo, điều hành theo các kịch bản tăng trưởng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật để chỉ đạo từng bộ, ngành, địa phương có những giải pháp phù hợp, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP ở mức cao nhất.
Ông dự báo thế nào về mức tăng trưởng GDP năm 2021?
Theo quan điểm của tôi, tăng trưởng 6,5% rất khó, song mức 6% thì có thể thực hiện được, bởi các lý do sau.
Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; các ngành công nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ... Đây là nền tảng để kinh tế 6 tháng cuối năm tiếp tục đà phục hồi.
Thứ hai, ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Thứ ba, trong 6 tháng cuối năm, ngành tài chính - ngân hàng sẽ phát huy vai trò động lực quan trọng, khơi thông nguồn lực về tài chính cho nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh nói riêng.
Thứ tư, cả nước đang tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Thứ năm, hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng như nông, lâm, thủy sản, điện thoại... cũng hứa hẹn sẽ là một động lực tăng trưởng tốt của nền kinh tế, khi các quốc gia trên thế giới mở cửa kinh tế trở lại.