Đầu tư Phát triển bền vững
Thực hiện ESG là sống còn với doanh nghiệp
D.Ngân - Chí Cường - 23/05/2024 15:30
Theo PGS-TS.Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc. Đây là một cuộc chiến sống còn, buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để dành được sự tồn tại.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5, PGS-TS.Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc. Đây là một cuộc chiến sống còn, buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để dành được sự tồn tại.

PGS-TS.Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường.

Khi tham gia thực thi ESG đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp theo nguyên tắc chung là người phát thải phải trả phí. Tại Mỹ, các công ty sản xuất ô tô phải có hạn ngạch phát thải. Cụ thể, một xe ô tô được phép phát thải 4,6 kg carbon trong một năm.

Trong nước, sắp tới Việt Nam sẽ bổ sung 1.000 doanh nghiệp phải làm báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Nếu doanh nghiệp phát thải ít thì họ sẽ có cơ hội để bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp có nguồn phát thải lớn.

“Doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ, mà bây giờ cơ chế thị trường, buộc các doanh nghiệp lớn phải trả tiền”, ông Thọ nói.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp nói rằng, phần lớn doanh nghiệp đã có nhận thức về ESG, nhưng giờ họ cần phải làm gì thì là một thách thức.

Theo bà Thủy, hiện đã có tiêu chí quốc gia, kế hoạch hoạt động về tăng trưởng xanh, nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hoá thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero vào năm 2050.

Bà Thủy cho rằng, trong cả 3 yếu tố của ESG thì yếu tố G - governance (quản trị) là khó khăn, mệt mỏi nhất. Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp tại đó nhưng còn nhiều khó khăn.

"Đạt được G thì mới dễ thực hiện các yếu tố E và S", bà Thủy nói thêm.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo.

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với doanh nghiệp phát triển xanh, theo bà Thủy, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh từ hệ thống các ngành kinh tế hiện nay. Ví dụ, trong ngành vận tải, sẽ có bộ tiêu chuẩn để xác định đâu là một dự án là xanh hay không xanh.

Bộ cũng đang xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển xanh. Với VINFAST, Chính phủ sẽ có hỗ trợ gì để doanh nghiệp làm trạm sạc pin? Chỉ khi các địa phương có hỗ trợ địa điểm có trạm sạc thì người tiêu dùng mới mua xe xanh, dùng xe xanh. Còn nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ thì sẽ rất lâu chúng ta mới đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra.

Bên cạnh đó, theo bà Thủy, Bộ cũng nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế để giúp đỡ các doanh nghiệp trong phát triển xanh. Chẳng hạn, với USAID, Bộ có công bố doanh nghiệp thực hành ESG.

Chưa kể, trong 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai tăng cường nhận thức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp, sàng lọc 300 doanh nghiệp để có hỗ trợ nâng cao năng lực, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang kinh doanh bền vững.

Tuy vậy, khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp không có nguồn lực, bởi hiện chỉ có doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn có khả năng đầu tư cho ESG.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kết hợp với UNDP hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt. Đặc biệt, Bộ cũng thường xuyên cử tư vấn xuống đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang phát triển xanh.

Tin liên quan
Tin khác