Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng 15,7%, cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. |
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 làm biến động nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính và tình hình dịch bệnh Covid chưa lắng xuống ở cả các thị trường và các nước sản xuất lớn.
Riêng trong tháng 8/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (+28,6%), EU (+15,7%), Hàn Quốc (10,2%), Anh (+16,4%), Canada (+17,2%), Australia (+20,5%). Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA.
Hiện EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Sau khi tăng trưởng nhẹ trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng 15,7% đạt 58,8 triệu USD trong tháng 8.
Tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng lần lượt 15% và 41% so với tháng 8/2019. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 313,7 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.
VASEP nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.
Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.
Là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn trong ngành, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết, Việt Nam có sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trên 700.000 tấn hàng năm, các doanh nghiệp chế biến tôm có thể tăng bán vào EU để tận dụng ưu đãi thuế sau khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này cần quan tâm đến chất lượng. Khi người tiêu dùng EU, nhất là phân khúc thị trường cấp cao, đòi hỏi tôm nuôi phải có các chứng nhận nuôi đảm bảo an toàn như chứng nhận ASC cho vùng nuôi. Các nhà cung ứng không có chứng nhận có thể bán vào phân khúc thị trường cấp thấp, nhưng giá bán sẽ không tốt lắm. Số diện tích ao nuôi tôm của Việt Nam đủ các chứng nhận này rất ít, đây là một sự hạn chế khá lớn, một thách thức còn mất nhiều thời gian khắc phục.