Bộ Công thương khẳng định, việc tham gia RCEP sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn thách thức. |
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị "Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP".
Với dân số chiếm khoảng 30% toàn cầu, thị trường 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, thành viên của Hiệp định RCRP có quy mô lớn nhất thế giới.
RCEP đi vào thực thi từ đầu năm nay giúp Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa thâm nhập khu vực thị trường này. Cùng với 14 FTA đã thực thi từ trước đó, doanh nghiệp có thêm lựa chọn sử dụng FTA nào có lợi nhất trong hoạt động giao thương xuất nhập khẩu, đem lại ưu đãi thuế quan thiết thực hơn, dễ áp dụng hơn.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực.
Hiệp định này là sự kết nối 04 Hiệp định thương mại tự do hiện hành giữa ASEAN và các nước đối tác thành 1 Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số (chiếm gần 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu).
Khu vực này còn là nguồn cung nguyên liệu lớn trên thế giới như Trung Quốc Nhật Bản, Hàn Quốc, nên trước mắt, ngành dệt may, giày dép, điện tử sẽ được hưởng nhiều lợi thế.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta với khối này chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, việc tham gia RCEP sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn thách thức. Quá trình tự do hóa thuế quan với 14 nền kinh tế trong khối đã được thực hiện trong suốt hơn 15 năm qua nên sẽ không tạo cú sốc về giảm thuế quan cũng như sức ép của hàng nhập khẩu đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ngành sẽ chịu sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh để cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong khối tại thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu sang các thị trường tiêu chuẩn cao (Nhật Bản, Australia...). Chẳng hạn, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện chưa đáp ứng được các quy định mang tính kỹ thuật của các thị trường trong khối.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước RCEP đạt 70,45 tỷ USD, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 3 thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là: Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7,3%, Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5% và Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%.